Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Hà Nội: Đầu tư sản xuất pin Mặt Trời kích thước nhỏ, hiệu suất cao

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội vừa khánh thành Trung tâm Nghiên cứu - chuyển giao và giám định công nghệ có quy mô lớn nhất nước từ trước tới nay.
Theo Sở KH&CN Hà Nội, việc khánh thành trung tâm này là một trong những sự kiện trọng điểm của Hà Nội nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố cũng như khẳng định bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực KH&CN của Thủ đô.
Trung tâm này đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có diện tích 2,1ha và là khu phức hợp liên thông về KH&CN lớn nhất cả nước từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Trung tâm được thiết kế cho 200 nhà khoa học làm việc tại 5 khu trong tổ hợp.


Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi Lễ
Các thiết bị nghiên cứu hiện đại có thể kết nối các nhà khoa học tại các viện, trường và phòng thí nghiệm trọng điểm. Đây cũng là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học quốc tế trong các chương trình hợp tác khoa học công nghệ.
Một trong những mảng trọng tâm mà trung tâm này đầu tư là sản xuất pin Mặt Trời hiệu suất cao, kích thước nhỏ. Thực hiện quy hoạch năng lượng Việt Nam đến năm 2030, trung tâm sẽ đẩy mạnh sản xuất pin năng lượng Mặt Trời và dự kiến sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo cùng các đại biểu thăm quan khu sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu-chuyển giao và giám định công nghệ
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo: Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Nghiên cứu - chuyển giao và giám định công nghệ này là một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp phát triển KH&CN Thủ đô; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của thành phố Hà Nội trong việc tập trung đầu tư, phát triển KH&CN, coi đây là tiền đề cho việc thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Sở KH&CN Hà Nội, cơ quan được giao làm Chủ đầu tư dự án và Nhà thầu thi công đã hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ để kịp khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.

Dây truyền sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu - chuyển giao và giám định công nghệ
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thành phố Hà Nội luôn xác định khoa học, công nghệ giữ vai trò quan trọng hàng đầu, là động lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thành phố Hà Nội đã có nhiều Nghị quyết, chương trình, chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN như: Chiến lược phát triển KH&CN Thành phố Hà Nội đến năm 2020; Chương trình số 22-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế’; Nghị quyết số 04/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách ưu đãi áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và các nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Một trong những mảng trọng tâm mà trung tâm này đầu tư là sản xuất pin Mặt Trời hiệu suất cao, kích thước nhỏ
Được biết, Trung tâm này có các hạng mục: Nhà nghiên cứu, xưởng sản xuất chế thử, nhà hành chính và vườn ươm công nghệ, công trình phụ trợ, nhà xưởng và nhà kho. Với dây chuyền, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại.
Trung tâm sẽ là nơi phục vụ nghiên cứu, chế tạo sản phẩm công nghệ cao trong ngành điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, sản xuất Pin năng lượng mặt trời, đèn Led, thiết kế chip cùng với phòng thí nghiệm chuyên ngành và giám định công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí, tiết kiệm năng lượng, công nghệ môi trường; chế thử sản phẩm mới và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Ngoài ra, Trung tâm sẽ không chỉ là nơi phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu để sản xuất thử, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm mà còn phục vụ nhu cầu nghiên cứu mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn Thủ đô.
Nguyễn Nam

Google lắp đặt khinh khí cầu phát sóng Internet


Để mở rộng sự hiện diện của mình tại Indonesia, Google đã triển khai dự án mang tên “Loon” thông qua việc lắp đặt 20.000 quả khinh khí cầu và thả lên tầng bình lưu để phát sóng Internet.
Dự án này được thực hiện theo thảo thuận hợp tác với 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet địa phương là Telkomsel, Axiata và Inmost.
Dự án "Loon" được hy vọng sẽ mang lại quyền truy nhập bình đẳng cho quốc gia 255 triệu dân này
Indonesia là một quốc gia bao gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Chính điều kiện địa lý phức tạp này đã khiến cho việc lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng băng rộng cố định mặt đất và hệ thống cáp ngầm dưới biển trở thành một thách thức không hề nhỏ cả về góc độ kinh tế và kỹ thuật.
Theo Google, việc triển khai hệ thống khinh khí cầu phát sóng Internet có chi phí rẻ hơn so với việc lắp đặt cáp quang hoặc các cột thu phát sóng trên các hòn đảo. Với dự án này, Google hy vọng sẽ giúp người dân Indonesia có nhiều hơn những cơ hội truy nhập Internet và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Với 255 triệu dân, hiện mức thâm nhập Internet của Indonesia chỉ là 29%. Điều này có nghĩa là quốc gia này còn hơn 100 triệu dân vẫn chưa có kết nối internet. Ngoài ra, tốc độ kết nối Internet tại quốc gia này cũng rất thấp. Trước đây, chi phí xây dựng hệ thống cáp ngầm quá đắt đỏ và không khả thi. Do vậy, truy nhập Internet cung cấp qua mạng vệ tinh là lựa chọ duy nhất đối với nhiều người có nhu cầu. Tuy nhiên, việc lắp đặt, vận hành vệ tinh cho đến sử dụng dữ liệu qua hệ thống này cũng có chi phí cao đối với cả nhà cung cấp dịch vụ và người dùng đặc biệt là người nghèo.
Để tham gia sử dụng dịch vụ do “Loon” cung cấp, người dùng chỉ cần một thiết bị di động để kết nối trực tuyến với tốc độ lên đến 10 Mbps. Hiện mức thâm nhập di động của Indonesia đạt gần 100%, 23% thiết bị di động là điện thoại thông minh.
Tốc độ kết nối sẽ tương đương với 4G
Google công bố dự án khí cầu siêu áp lực lần đầu vào năm 2013, khi họ thả khoảng 30 khí cầu từ New Zealand. Bên dưới các khí cầu nhẹ hơn không khí có treo các thiết bị: Hai thiết bị thu phát sóng radio để thu phát truyền dữ liệu, kèm theo một radio dự phòng; Một thiết bị định vị GPS và máy tính cho chuyến bay; Một hệ thống điều khiển độ cao, để di chuyển khí cầu lên xuống tìm luồng gió thích hợp để đưa khí cầu đến vị trí mong muốn và Tấm năng lượng mặt trời cung cấp pin cho tất cả.
Với 10 Mbps, tốc độ này tương đương với tốc độ cung cấp trên mạng 3G và 4G. Mỗi khinh khí cầu có thể cung cấp kết nối cho một khu vực có đường kính khoảng 40km thông qua sử dụng sóng vô tuyến LTE.
Người dùng trên mặt đất có thể kết nối với mạng không dây bằng cách sử dụng các thiết bị di động của họ. Các khinh khí cầu sẽ chuyển tiếp lưu lượng truy cập từ các thiết bị này và cuối cùng chuyển đến mạng internet toàn cầu thông qua kết nối tốc độ cao.
Tuy nhiên, “Loon” không được chào đón hoàn toàn tại quốc gia này khi hãng viễn thông lớn nhất của Indonesia là Telekomunikasi đã thẳng thắn bác bỏ kế hoạch của Google và cho rằng dự án này sẽ làm suy yếu các hoạt động đầu tư của Telekomunikasi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang.
Trên thực tế, Google không phải là công ty duy nhất sử dụng công nghệ thử nghiệm để mang sóng internet đến vùng xa xôi của thế giới bởi lẽ Facebook cũng đang phát triển một dự án tương tự dựa trên thiết bị bay. Theo công bố thiết bị bay của Facebook có khả năng bay trong 3 tháng mà không phải hạ cánh.
Lê Hường (Theo theguardian.com)

Tổ hợp khoa học hoành tráng hình nguyên tử của Triều Tiên






CHDCND Triều Tiên vừa khánh thành một tổ hợp công nghệ và khoa học có hình dạng một nguyên tử.
Binh lính của quân đội Triều Tiên đã được huy động để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, và các phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy công trình này đã được hoàn thành trong khoảng 1 năm.
Ảnh: KCNA/Reuters
Thiết kế của tòa nhà - có thể nhìn thấy rất rõ từ trên không - là một lời nhắc nhở về lập trường không từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nước này đã tiết hành 3 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và được tin là đang phát triển một tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Mỹ. Nước này đang phải chịu cấm vận của Liên Hợp Quốc và phương Tây liên quan đến các chương trình vũ khí này.
Ảnh: KCNA/Reuters
Bài báo do hãng thông tấn KCNA đăng tải tuyên bố cơ sở nằm trên đảo ở sông Taedong của Bình Nhưỡng vận hành bằng năng lượng mặt trời, địa nhiệt và "các nguồn năng lượng tự nhiên khác". Bài viết cho biết thêm, trung tâm Khoa học - Công nghệ này sẽ đóng vai trò như một thư viện điện tử cho các công trình và nghiên cứu của các nhà khoa học nước này.
Ảnh: KCNA/Reuters
Tổ hợp này có một phòng trải nghiệm động đất và một phòng thí nghiệm khoa học - ảo và một số "phòng được trang bị máy chiếu và các máy tính màn hình cảm ứng lớn".
 
Ảnh: KCNA/Reuters
Chủ tịch Kim Jong-un từng thị sát công trình này và tuyên bố: "Khi thăm đảo Ssuk Islet, một hòn đảo của khoa học, mọi người sẽ hiểu rõ giá trị và sức mạnh của chính sách của WPK (Đảng Lao động Triều Tiên) vốn liên tục có những nỗ lực lớn để phát triển khoa học và công nghệ".
Ông cũng bày tỏ sự hài lòng về mô hình của một tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên được lắp đặt ở phòng trung tâm của tổ hợp.
Ảnh: KCNA/Reuters
Triều Tiên đã có một số tổ hợp khoa học lớn và đắt tiền. Mới cách đây 1 tuần, ông Kim đã tới Phố Các nhà khoa học Mirae, gồm nhiều tòa nhà và chung cư cao tầng dành cho các giáo viên và nhà khoa học.
Thanh Hảo

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Siemens có thể xây thêm nhà máy tại Việt Nam


Mới đây, ông Joe Kaeser, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens (Đức) có chuyến thăm Việt Nam nhằm củng cố và tăng cường hợp tác giữa Tập đoàn và Chính phủ, cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Ông Kaeser trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về sự hợp tác này.
Siemens đang tìm kiếm những cơ hội gì ở Việt Nam, thưa ông?
Siemens chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam năm 1993 và từ đó đến nay đã thực hiện thành công nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chúng tôi hiện là một trong những nhà cung cấp công nghệ hàng đầu về đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực nguồn điện, quản lý điện năng, dịch vụ nguồn điện, hệ thống vận chuyển, công nghệ tòa nhà, nhà máy số, quy trình công nghiệp và truyền động điện và y tế. Với cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh những lĩnh vực này.
Về lĩnh vực năng lượng, tính đến năm 2014, tổng công suất lắp đặt của Việt Nam vào khoảng 33 GW, trong đó Siemens đóng góp khoảng 14% trong tổng sản lượng điện hàng năm của cả nước. Chúng tôi cung cấp nhiều tua-bin khí lớn cho các nhà máy điện khí. Các nhà máy điện chu trình kết hợp như Phú Mỹ 3 (740 MW), Cà Mau 1 và 2 (1.500 MW) và Nhơn Trạch 2 (750 MW) nằm trong các dự án điện thân thiện môi trường và hiệu suất cao nhất tại Việt Nam. Siemens rất quan tâm những dự án điện khí quan trọng sắp tới tại Việt Nam như Ô Môn 3 và Ô Môn 4, Nhơn Trạch 2 mở rộng, Kiên Giang 1, Kiên Giang 2 và các dự án điện khí miền Trung.

Ông Joe Kaeser, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens (Đức)

Siemens cũng là một trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực truyền tải điện. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam, với một số dự án quan trọng như Sơn La (500 KV), trạm biến áp Duyên Hải và Mông Dương 3. Tôi đã gặp gỡ lãnh đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thống nhất rằng, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các dự án năng lượng trong tương lai. Siemens muốn cung cấp sản phẩm cho những dự án dầu khí, hóa chất, phân bón và lọc dầu.
Ngoài ra, Siemens cũng muốn cung cấp công nghệ cho Dự án Đường sắt cao tốc Bắc -Nam và các dự án tàu điện ngầm sắp tới tại Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi đang đợi TP.HCM mở thầu cho Dự án Tàu điện ngầm số 2. Chúng tôi không những có thể cung cấp thiết bị, mà còn thu xếp các giải pháp tài chính cho Dự án.
Siemens có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy tại Việt Nam không?
Hiện chúng tôi có 1 nhà máy tại Bình Dương và cũng đang nghiên cứu thị trường. Nếu cần thiết, có thể chúng tôi sẽ xây thêm nhà máy nữa để đóng góp vào an ninh năng lượng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ cao đều đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Liệu Siemens có xây một trung tâm R&D tại Việt Nam?
Chúng tôi đã cân nhắc và đang nghiên cứu thị trường để thực hiện kế hoạch này. Việt Nam có ngành công nghệ thông tin rất phát triển, với đội ngũ kỹ sư lành nghề, rất giỏi về phát triển phần mềm.
Đặc biệt, Siemens Việt Nam đã vượt qua các nước khác trong khu vực ASEAN để được Tập đoàn Siemens lựa chọn thành lập Trung tâm Kỹ sư giám sát quản lý công trình, nhằm phục vụ các dự án nhà máy điện chu trình kết hợp do Siemens nhận thầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Trung tâm đang có 15 kỹ sư Việt Nam và số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong năm tới.
Trong những năm qua, Siemens cũng hợp tác tốt với nhiều trường đại học của Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác này trong thời gian tới.
Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam phát triển năng lượng bền vững?
Việt Nam nên thúc đẩy các công nghệ hiệu suất cao và thân thiện với môi trường để phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Riêng với ngành điện, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tập trung phát triển điện khí và giảm bớt phụ thuộc điện than, đồng thời có những chính sách khuyến khích hơn về giá bán điện đối với điện gió. Hiện nay, giá điện năng lượng tái tạo của Việt Nam khá thấp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Thanh Tùng

Công nghệ xanh Malaysia: Lĩnh vực năng lượng.

Những tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển và thực hiện các dịch vụ công nghệ xanh sẽ phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng trong cả nước và trên toàn thế giới cũng như đảm bảo cho việc phát triển kinh tế trong tương lai. Đây là điều cần thiết đảm bảo, duy trì và phát triển chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai..

Công nghệ xanh được xem là một trong những thành quả của sự tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu và phát triển của Malaysia. Hiện công nghệ xanh bao gồm 4 lĩnh vực chính: năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý chất thải và nước. Mặc dù vậy, các ngành khác cũng đáng nhắm đến mục tiêu cụ thể sự phát triển công nghệ xanh một cách toàn diện và đồng nhất





Đối với lĩnh vực cung cấp năng lượng, các sáng kiến ​​đang được áp dụng để đảm bảo việc đưa công nghệ xanh vào trong sản xuất điện và quản lý nguồn cung năng lượng, bao gồm cả các ngành công nghiệp và thương mại. Trong chừng mực, các lĩnh vực sử dụng năng lượng có liên quan đến công nghệ xanh sẽ được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng và trong các chương trình quản lý theo yêu cầu.

Chất thải rắn và bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng đã được xác định là các nguồn có thể tái tạo năng lượng và Malaysia hiện nghiên cứu, phát triển và ứng dụng việc phát triển độ cứng của khí biogas được tạo ra thông qua phân hủy sinh học. Ngoài ra, năng lượng xanh còn dùng để giải quyết trong lĩnh vực giao thông vận tải, chính phủ đã chỉ đạo ngành này đưa công nghệ xanh vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, các loại xe, đặc biệt là sự phát triển, sử dụng nhiên liệu sinh học và nâng cao hiệu quả của giao thông công cộng.

Hiệu quả năng lượng

Việc thực hiện các mô-đun năng lượng hiệu quả xoay quanh việc thực hiện các mục tiêu như: sử dụng hiệu quả, không khuyến khích lãng phí và tiêu thụ năng lượng hiệu quả. Những sáng kiến ​​này bao gồm giảm thiểu các tác động tiêu cực của sản xuất năng lượng, chuyển đổi, sử dụng và tiêu thụ đối với môi trường.

Đối với Malaysia, sáng kiến ​​công nghệ năng lượng hiệu quả bao gồm sản xuất và thực hiện các thiết bị hoặc hệ thống nhằm đạt được các mục tiêu trên. Những công nghệ này bao gồm các lĩnh vực sau: Thiết kế, Bảo trì, Hệ thống điều hòa nhiệt độ, Cách nhiệt, Thang máy và băng chuyền.

Năng lượng tái tạo

 Malaysia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, không chỉ  dựa vào nhiên liệu hóa thạch và nguồn tài nguyên không tái tạo khác.

Malaysia được xem là một trong những nhà sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy việc sử dụng các nhiên liệu sinh học như một nguồn năng lượng tái tạo. Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng dầu cọ dựa phụ gia cho dầu diesel cũng như việc thực hiện của các nhà máy phát điện nhỏ theo Chương trình Đổi mới năng lượng điện (SREP) mà sẽ bao gồm việc sử dụng khí sinh học và năng lượng sinh khối cũng như chất thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng gió.

Năng lượng sinh khối

Với những vùng cọ dầu rộng lớn và nhiều nguồn nhiên liệu sinh học tái tạo rất thích hợp cho việc sản xuất năng lượng sinh khối. Việc sử dụng các chất thải phân hủy sinh học như dầu cọ hay một loạt các chất thải nông nghiệp, bãi rác tái tạo cũng có thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng.

Quá trình đốt các vật liệu này sau đó có thể được sử dụng trực tiếp nguồn nhiệt để cung cấp năng lượng của tua-bin điện hoặc chuyển đổi sang nhiều loại nhiên liệu bao gồm cả nhiên liệu cồn sinh học hoặc làm phụ gia trong dầu diesel sinh học.

Công nghệ này là cực kỳ thích hợp cho hàng hóa cao và nền kinh tế nông nghiệp. Malaysia chuyên cung cấp các dịch vụ sau: Quản lý chất thải rắn hữu cơ và, Năng lượng tái tạo và Khí bãi rác.

Solar Team

Chủ quán net Việt hồ hởi khi giảm tiền điện 3 triệu nhờ dùng pin mặt trời

Quán net sử dụng pin mặt trời để tiết kiệm điện đã giới thiệu thành quả của mình khi tiết kiệm được 3 triệu đồng mỗi tháng.

Trước đây, chúng tôi từng giới thiệu về một quán net đặc biệt tại Vĩnh Phúc đã giới thiệu phương pháp tiết kiệm điện đặc biệt là sử dụng pin mặt trời. Và sau một thời gian hoạt động thì chủ cửa hàng đã công bố thành quả của chương trình khá cách mạng của mình.

 
Theo đó thì sau khi áp dụng phối hợp giữa pin năng lượng mặt trời và điện lưới từ cuối tháng 8, quán net của anh này đã tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng một tháng – một con số khá lớn đối với một quán net có số lượng máy trung bình: “kể từ ngày bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời 27-8, hóa đơn điện hàng tháng đã có 1 chút thay đổi hơi nhè nhẹ.

 
Thực tế, cách sử dụng năng lượng mặt trời này không chỉ có lợi cho cửa hàng cá nhân mà còn giúp giảm tải lưới điện quốc gia, vừa ích nước vừa lợi nhà, lại tận dụng được nguồn năng lượng sạch, ngoài ra còn có chế ‘chống cháy’ tạm thời khi mất điện, nhìn chung là một phương pháp đáng để các chủ kinh doanh game net học tập.
Tuy nhiên, với mức đầu tư khá lớn lên tới hàng trăm triệu cho một dàn pin năng lượng mặt trời thì những chủ quán net muốn xây dựng mô hình tương tự cũng nên tham khảo kỹ trước khi quyết định. Cần phải xác định sẽ làm nghề lâu dài với chiến lược kinh doanh rõ ràng rồi mới áp dụng chứ không nên bỏ một khoản tiền lớn mua thiết bị rồi nhanh chóng thải hồi khi kinh doanh không thành công.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Chàng trai 9X mang điện mặt trời thắp sáng vùng sâu

Thay vì theo đuổi mơ ước làm việc trong ngân hàng đầu tư, Prabh lại ấp ủ kế hoạch mang điện tới những vùng sâu, vùng xa ở Ấn Độ.
Chân dung Prabh Singh
Đối với 76 hộ dân sống tại Naro ka Kheda – một ngôi làng nhỏ bé thuộc bang Rajasthan, phía Bắc Ấn Độ, đi bộ 7 km để đến nơi có thể sạc điện thoại di động là một phần trong lịch trình hàng tuần của họ.
Làng Naro ka Kheda nằm cách thành phố du lịch Udaipur chỉ 25 km. Thế nhưng, từ lâu, người dân ở đây luôn sống trong cảnh tăm tối. Ngày 23/7 vừa qua, họ có điện nhờ dự án thí điểm của chàng sinh viên Đại học Kinh Doanh Durham, theo Huffingtonpost.
Prabh Singh (24 tuổi, từng sống tại Delhi) luôn ước mơ làm việc trong một ngân hàng đầu tư. Nhưng thay vì thế, anh ấp ủ kế hoạch đưa điện đến những vùng còn khó khăn ở Ấn Độ.
“Tôi chia sẻ với 3 người bạn cùng lớp về lợi ích của những tấm pin mặt trời và cách người dân Anh lấy điện từ chúng để sử dụng trong những chuyến đi đánh cá. Đó chính là nguồn cảm hứng cho dự án của tôi. Tôi nghĩ, người phương Tây có thể sử dụng pin mặt trời như mặt hàng xa xỉ, tại sao dân Ấn Độ – nơi có tới 75 triệu người sống trong cảnh tối tăm, không thể sử dụng nó cho nhu cầu thiết yếu?” – Prabh chia sẻ.
Đó là lý do dự án Kiran – có nghĩa là “tia sáng” trong tiếng Phạn – ra đời.
“Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, tôi chưa từng trải qua đêm nào chỉ có một mình trong ngôi làng không có ánh điện. Tôi đã làm việc cùng người dân, sống với họ, ngồi ăn uống tại căn nhà tối tăm để hiểu được lợi ích mà dự án Kiran có thể mang lại” – nam sinh cho biết.
Trung tâm Tiếp cận và ứng dụng công nghệ Đông Bắc và những người dân trong làng đã hỗ trợ 7.000 bảng Anh để biến ý tưởng của Prabh thành sự thật.
Prabh sử dụng pin mặt trời để mang lại ánh sáng cho ngôi làng Naro ka Kheda
Hệ thống điện trong dự án của Prabh đảm bảo cho người dân ở những khu vực xa xôi có thể tiếp cận nguồn điện dễ dàng. Hệ thống này bao gồm một bảng điều khiển năng lượng mặt trời, ba bóng đèn sợi đốt, một đèn tuýp và một ổ cắm sạc điện thoại di động. Ngoài ra, mạng lưới bảo trì cũng được lắp đặt, mang lại doanh thu khoảng 500 bảng Anh cho nền kinh tế địa phương.
Hiện tại, Prabh đàm phán với một cơ quan trung ương của Ấn Độ để nhân rộng các dự án tương tự tới 50 ngôi làng khác. Anh hy vọng có thể lập nên một công ty từ dự án này và khuyến khích tinh thần kinh doanh ở nông thôn.
“Tôi từng không thể tưởng tượng ra những gì đã làm được. Khi nhà của những người dân lần đầu có ánh điện, tôi thấy sự bất ngờ và niềm hạnh phúc trong ánh mắt họ” – chàng trai tâm sự.
Hường Vũ

Khánh thành trung tâm công nghệ lớn nhất Việt Nam

Hà Nội đã cho thấy tầm nhìn dài hạn và bước đi hiệu quả khi chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ vào ngày mai (29/10).
Dây chuyền sản xuất pin mặt trời tại Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ

Đồng bộ từ nghiên cứu đến sản xuất
Sự kiện Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ của Hà Nội chính thức đi vào vận hành vào sáng mai (29/10) tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học cũng như người dân,doanh nghiệp.
Diễn ra ngay trước Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVI, (từ 31/10 đến 3/11) Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ khánh thành và đi vào hoạt động không chỉ là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố, mà còn khẳng định bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của Hà Nội.
Tọa lạc tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Trung tâm có sự thuận lợi về giao thông khi chỉ cách đường Hồ Chí Minh 15 km, cách Sân bay Nội Bài 20 km, cách cảng Hải Phòng 110 km và cảng Quảng Ninh 180 km.
Với diện tích 2,1 ha, đây là khu phức hợp liên thông về khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước, từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Trung tâm được thiết kế đáp ứng cho 200 nhà khoa học làm việc tại 5 khu trong tổ hợp. Các thiết bị nghiên cứu hiện đại trên thế giới có thể kết nối nhà khoa học tại các viện, trường và phòng thí nghiệm trọng điểm tại Thủ đô, đồng thời là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học quốc tế trong các chương trình hợp tác khoa học - công nghệ.
Trung tâm có hệ thống khép kín, gồm xưởng sản xuất, các công nghệ cơ khí chế tạo; điện tử và tự động hóa; các thiết bị giám định và phân tích công nghệ. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu - chuyển giao và thẩm định trong Trung tâm rất đa dạng và được tối ưu hóa, bao gồm: Công nghệ cơ khí chế tạo, Công nghệ điện tử - tự động hóa, Công nghệ tiết kiệm năng lượng và Công nghệ môi trường. Trung tâm sẽ đồng bộ từ khâu nghiên cứu, nhập dây chuyền cho đến khâu ra sản phẩm, kết nối từ nhà khoa học đến doanh nghiệp tiêu thụ sản xuất.
Một trong những đề tài mà Trung tâm sẽ tiến hành là nghiên cứu sản xuất pin năng lượng mặt trời. Trong bối cảnh nguồn năng lượng cơ sở như than đá, nước của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có dấu hiệu cạn kiệt, thì nguồn pin năng lượng mặt trời - một trong những nguồn năng lượng có khả năng thay thế, đang được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới quan tâm.
Ông Nguyễn Quang Việt, Phó trưởng Ban Khoa học - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá: “Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ Hà Nội đi vào hoạt động, với việc nghiên cứu pin năng lượng mặt trời sẽ góp phần giải bài toán thiếu năng lượng trong những năm tới”.
Chắp cánh giấc mơ công nghệ “Made in Vietnam”
Sở hữu cơ sở hạ tầng, dây chuyền công nghệ được đầu tư lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với mô hình nghiên cứu và sản xuất hiện đại, Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ được kỳ vọng sẽ cho ra đời các thiết bị cơ khí, các sản phẩm bo mạch điện tử “Made in Vietnam”, các sản phẩm chip LED được chế tạo theo công nghệ tiết kiệm năng lượng, chủ động về nguồn cung, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội cho biết, Trung tâm sẽ tập trung vào một số sản phẩm trọng điểm về điện tử viễn thông, điện tử dân dụng, hay những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp mà Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng là trọng tâm đầu tư của Trung tâm, với sản phẩm chủ lực là pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, kích thước nhỏ. Dự kiến, những tấm pin năng lượng mặt trời của Trung tâm sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020.
“Trung tâm có dây chuyền công nghệ đầu tư đồng bộ, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội không những của Thủ đô mà còn của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá.
Nhằm phát triển bền vững, với tầm nhìn lâu dài, yếu tố con người là một trong những yếu tố quan trọng được Trung tâm chú trọng đầu tư. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã thu hút được nhiều sinh viên giỏi, tâm huyết với khoa học thuộc các trường Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM… giúp cho sự phát triển lâu dài của Trung tâm.
“Chúng tôi bồi dưỡng các em nhiệt huyết tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, từ năm thứ hai cho đến khi ra trường. Khi các em tốt nghiệp thì dự án của chúng tôi bắt đầu đi vào hoạt động, chúng tôi đã có ngay đội ngũ trí thức trẻ, đam mê và tâm huyết với khoa học công nghệ. Với đội ngũ như vậy, chúng tôi tự tin hoàn toàn làm chủ hệ thống máy móc mà TP. Hà Nội đầu tư”, ông Hiệp nói.
Kỳ Thành

Maroc hút năng lượng mặt trời từ sa mạc Sahara

Với siêu dự án năng lượng mọc lên trên sa mạc Sahara vốn chỉ có nắng, gió và cát, Maroc đang trên đường tiến tới trở thành cường quốc năng lượng mặt trời của thế giới.

"Cánh đồng" pin năng lượng mặt trời của Maroc.


Thành phố Ouarzazate đã sớm quen thuộc với những siêu phẩm khổng lồ. Địa điểm nằm trên rìa sa mạc Sahara và trung tâm công nghiệp điện ảnh “Ouallywood” của quốc gia bắc Phi này, từng là địa điểm thực hiện các cảnh quanh kinh phí lớn của những bộ phim Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập), The Mummy (Xác ướp), The Living Daylights (Điệp viên 007: Ánh sáng chết người) và Game of Thrones (Trò chơi vương quyền).
Giờ đây, thành phố thương mại được mệnh danh là “cửa ngõ của sa mạc” này còn là trung tâm của một tổ hợp bom tấn khác: siêu nhà máy điện năng lượng mặt trời. Nguồn điện năng do tổ hợp gộp thành từ 4 nhà máy này cung cấp cùng thủy điện và điện gió, sẽ đáp ứng gần một nửa lượng điện cho Maroc từ các nguồn năng lượng sạch trước năm 2020. Giai đoạn 1 của tổ hợp sẽ đi vào hoạt động vào tháng sau và có khả năng tạo ra 160 MW điện.Dự án nhà máy điện này đóng vai trò quan trọng trong tham vọng tận dụng những sa mạc chưa được khai thác để trở thành siêu cường điện mặt trời trên toàn cầu. Khi hoàn thành, siêu nhà máy điện sẽ là nhà máy điên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, có diện tích lớn bằng thủ đô Rabat của Maroc và tạo ra 580 MW điện, đủ để cung cấp cho 1 triệu hộ gia đình.
Tiềm năng của năng lượng mặt trời từ sa mạc đã được biết đến trong nhiều thập kỉ. Nhà vật lý học nghiên cứu các hạt Gerhard Knies (Đức) từng ước tính lượng năng lượng các sa mạc trên thế giới nhận chỉ trong vài giờ đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho con người trong cả năm. Mặc dù vậy, con người vẫn gặp trở ngại trong việc thu thập nguồn năng lượng này và truyền tải chúng đến các trung tâm dân cư.
Trong lúc các kĩ sư đang hoàn thành những bước cuối cùng của giai đoạn một, 500.000 tấm kính mặt trời hình lưỡi liềm, cao 12m đã hiện diện trên sa mạc theo 800 dãy để hạn chế hư hại va đập từ gió cát sa mạc. Công nghệ kính được sử dụng tại đây có ưu điểm tiết kiệm diện tích và chi phí so với những tấm pin quang điện phổ biến hiện nay, lại vừa có khả năng tiếp tục tạo ra năng lượng ngay cả khi mặt trời đã lặn.
Theo Bộ trưởng Môi trường Maroc, Hakima al-Haite, với những ưu điểm như vậy, tác động năng lượng mặt trời tạo ra đối với khu vực trong thế kỉ này cũng sẽ tương tự như điều từng xảy ra với sản phẩm dầu mỏ ở thế kỉ trước.
“Chúng tôi không phải là một nước xuất khẩu dầu mỏ. Chúng tôi nhập khẩu 94% năng lượng là nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài, dẫn đến những hệ quả lớn với ngân sách quốc gia. Từng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có giá đắt đỏ, vì vậy khi nghe về tiềm năng của năng lượng mặt trời, chúng tôi đã nghĩ tại sao không”, bà al-Haite cho biết.
Tính đến năm 2020, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 1/3 nguồn cung năng lượng sạch của Maroc trong khi năng lượng gió và nước cũng lần lượt có tỉ trọng tương tự. “Chúng tôi rất tự hào vì dự án này. Tôi nghĩ nó là nhà máy năng lượng mặt trời quan trọng nhất trên thế giới”, Bộ trưởng el-Haite phấn khởi chia sẻ.
Các kĩ thuật viên cho biết hai nhà máy của giai đoạn 2 và 3 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2017 sẽ có khả năng tích trữ năng lượng đến 8 giờ so với giới hạn 3 giờ của nhà máy giai đoạn 1, mở ra việc sử dụng năng lượng mặt trời 24/7 tại Sahara và vùng lân cận.
Chưa dừng lại ở đó, Maroc còn muốn có điện dư thừa để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Nhưng tham vọng dẫn đến đâu là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, Maroc đang tập trung sử dụng năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu tự chủ về tài nguyên năng lượng của nước này. Maroc cũng đang hướng đến việc khử muối trong nước trong bối cảnh quốc gia này ngày càng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tình trạng nóng lên toàn cầu.
Dự án siêu nhà máy năng lượng mặt trời được chính phủ Maroc hỗ trợ có nguồn kinh phí 9 tỉ USD, phần lớn trong số này đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Anh Tiếu (Theo The Guardian)

Tàu siêu tốc Hyperloop của Tesla sắp được chạy thử nghiệm

Bibop Gresta, phó chủ tịch Hyperloop Transportation Technologies (HTT), đã thông báo kế hoạch xây dựng đường chạy thử cho tàu Hyperloop tại buổi hội thảo ở London tối 23/10.

Hệ thống đường chạy thử nghiệm tàu siêu tốc Hyperloop, dự án vận tải thông minh của tỷ phú Mỹ Elon Musk, sẽ được xây dựng trong 2-3 tuần tới. Bibop Gresta, phó chủ tịch Hyperloop Transportation Technologies (HTT), đã thông báo kế hoạch xây dựng tại buổi hội thảo ở London tối 23/10.

 
"Bạn có thể thay thế toàn bộ ngành công nghiệp máy bay từ Los Angeles đến San Francisco với một đường ống chân không, nhanh gấp 4 lần. Giờ đây, nếu công nghệ này không làm gián đoạn ngành công nghiệp hàng không, tôi không biết thứ gì sẽ làm điều đó nữa", ông Gresta phát biểu tại sự kiện.
Công ty cũng dự định xây dựng một hệ thống nối liền London và Glasgow với thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Đường chạy thử nghiệm có chi phí xây dựng khoảng 6 tỷ USD, trải dài 8 km ở thành phố Quay Valley, bang California, Mỹ. Trong giai đoạn thử nghiệm, các chuyên gia hy vọng phương tiện vận tải mới này sẽ chở khoảng 10 triệu người, vận chuyển 3.400 hành khách mỗi giờ và 24 triệu người mỗi năm.
Con tàu sẽ chạy trong một đường ống chân không với công nghệ loại bỏ lực cản không khí và tăng tốc độ. Tàu có thể đạt tốc độ 1.200 km/h và chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Hyperloop là dự án tàu thông minh được Elon Musk, người đứng đầu Tập đoàn Công nghệ Thám hiểm Không gian SpaceX, giới thiệu lần đầu tiên hồi tháng 8/2013.
Trước đó, theo tuyên bố của Elon Musk thì hệ thống vận chuyển tiên tiến này sẽ có thể đưa hành khách đi từ Los Angeles đến San Francisco trong vòng dưới 30 phút. Theo kế hoạch, Hyperloop sẽ vận chuyển hành khách trong một đường ống nhôm với vận tốc lên đến 1.280km/h, đặt dọc theo đường cao tốc liên bang I-5 đi qua California.
Tham khảo Iflscience

Pin nhiên liệu Hydro - Ngành công nghiệp của tương lai

Với những ưu điểm vượt trội so với pin truyền thống, cũng như khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, tiềm năng của pin nhiên liệu hydro đang trở nên to lớn hơn bao giờ hết.

 
Sự bùng nổ của xe điện đã làm thu hút nhiều sự chú ý hơn đến các ứng dụng của pin như để tích trữ và vận chuyển năng lượng. Nhưng không chỉ có các sản phẩm lưu trữ điện năng mới có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), ngành công nghiệp pin nhiên liệu đã gần như tăng gấp đôi trong năm 2014 với hơn 50.000 cell pin nhiên liệu được tiêu thụ, trị giá ước tính khoảng 2,2 tỷ USD.
Pin nhiên liệu Hydro là gì ?
Dưới đây là mô tả của EIA về sản phẩm này : Pin nhiên liệu là thiết bị mà phản ứng điện hóa kết hợp giữa hydro và oxygen để sinh điện nước và nhiệt.

 
Không như pin thông thường, pin nhiêu liệu có thể liên tục sản sinh ra điện chừng nào nguyên liệu oxy và hydro vẫn còn. Không những thế, pin nhiên liệu không xẩy ra phản ứng đốt cháy nhiên liệu, hầu như không gây ra tiếng ồn trong quá trình phản ứng sản xuất điện, và hiệu quả sinh năng lượng gấp 2, 3 lần động cơ đốt trong. Không những thế, hệ thống pin nhiên liệu là nguồn sản xuất điện sạch và không phát ra các chất thải gây ô nhiễm.
Nói một cách ngắn gọn, pin nhiên liệu là một động cơ tiêu thụ hydro để sản sinh ra điện và nước. Chất lỏng thải ra từ ống xả của xe sử dụng pin nhiên liệu còn sạch hơn nước chảy ra từ vòi rửa trong nhà.
Lý do mà pin nhiên liệu thu hút các nhà đầu tư là do tiềm năng của loại sản phẩm này là rất lớn. Hầu như không có thị trường năng lượng nào mà pin nhiên liệu không thể đặt chân vào, do vậy pin nhiên liệu được đánh giá là thị trường trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Nhu cầu ngày càng lớn
Lý do lớn nhất làm cho pin nhiên liệu có hiệu suất cao hơn pin bình thường là do pin nhiên liệu có thể sản sinh ra điện một cách liên tục, trong khi pin bình thường phải trải qua quá trình sạc xả để tái sử dụng. Vì vậy, về mặt lý thuyết, pin nhiên liệu có thể chạy mãi chừng nào còn nhiên liệu.

 
Đó là lý do vì sao Toyota cho rằng sẽ tiện lợi hơn khi thay vì sạc lại điện cho xe thì họ sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho pin nhiên liệu trên xe. Như vậy những chiếc xe như Toyota Mirai sẽ chỉ cần mất 5 phút để có thể di chuyển tiếp thay vì mất hàng giờ để sạc lại điện cho xe. Lợi thế này không chỉ áp dụng được trong lĩnh vực xe điện mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác nữa.
Các công ty Plug Power và Ballard Power System đã dùng những cell pin nhiên liệu thay vì pin truyền thống cho xe nâng của họ trong kho hàng, do những chiếc xe này cần chạy liên tục 24/24h. Dù các xe nâng này cũng đang chạy bằng pin thông thường nhưng nếu dùng pin nhiên liệu sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi có thể tiếp nhiên liệu một cách nhanh chóng thay vì phải mất một ngày để sạc đầy pin cho một xe. Theo EIA, hơn 2500 cell pin nhiên liệu dùng cho phương tiện chuyên chở vật liệu đã được bán năm 2014, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới đây.

 
Một thị trường lớn khác cho pin nhiên liệu là thị trường năng lượng điện. Một số tòa nhà đã bắt đầu lắp các cell pin nhiên liệu để làm nguồn điện dự phòng, đây có thể là bước khởi đầu cho việc tham gia vào công nghiệp điện của pin nhiên liệu. Châu Âu đang thử nghiệm việc sử dụng phương pháp điện phân để tác hydro trực tiếp từ nước tái chế tại các nhà máy điện. Từ đó, hydro có thể đi vào hệ thống pin nhiên liệu hoặc được lưu lại để sử dụng sau.
Ưu điểm so với pin truyền thống
Không chỉ có ưu điểm về mặt thời gian nạp nhiên liệu so với pin truyền thống, mà trong lĩnh vực lưu trữ, pin nhiêu liệu hydro cũng có ưu điểm vượt trội về khối lượng. Mặc dù pin truyền thống là vật lưu trữ tuyệt vời với lượng điện hữu hạn trong khoảng thời gian ngắn, nhưng với lượng điện lớn thì lại là nhược điểm của pin truyền thống.
Trong khi đó, với các thùng chứa đủ lớn, các trạm sản xuất hydro có thể sản xuất hydro sạch và lưu trữ nhiên liệu đó nhiều tuần thậm chí nhiều tháng. Đây sẽ là một tùy chọn khác cho việc lưu trữ năng lượng để tối đa giá trị sử dụng và loại bỏ được nhiều thách thức đối với năng lượng tái tạo.
Quy mô thị trường pin nhiên liệu gia tăng đồng nghĩa với việc chi phí sẽ giảm, và có thể ngành công nghiệp lưu trữ điện năng bằng pin nhiên liệu sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể.
Tiềm năng vô cùng lớn
Pin nhiên liệu nhờ sự tăng trưởng bùng nổ của xe điện, đã có bước phát triển liên tục trong vài năm qua. Nhưng nếu nhìn trong dài hạn, tiềm năng phát triển của pin nhiên liệu vẫn còn có thể lớn hơn nữa. Với giá trị 2.2 tỷ USD chỉ riêng cho thị trường Mỹ, đó dường như vẫn là quá nhỏ bé, nhưng thị trường này đang tăng trưởng nhanh chóng. Với rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, pin nhiên liệu có thể được sản xuất với quy mô lớn hơn, chi phí thấp hơn và trở thành sản phẩm hấp dẫn hơn cho thị trường năng lượng.
Tham khảo: fool.com

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu

Mới đây Phó Chủ tịch World Bank Axel Van Trotsenburg đã có cuộc thảo luận với độc giả Việt Nam về các thách thức và giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Ông cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ sẵn có đối với tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và sức khỏe và đặt ra những mối đe dọa lớn cho phát triển kinh tế và con người, cũng như môi trường. Người nghèo và cộng đồng nghèo ít có khả năng thích ứng sẽ là nhóm bị tác động nặng nề hơn.

Đặc biệt là với tốc độ đô thị hoá nhanh như ở Việt Nam hiện nay (trên 60%), xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu cho thấy đến năm 2100, trái đất có thể sẽ nóng thêm 4 độ C và khiến Việt Nam sẽ phải gặp phải sự thay đổi nhiệt độ lớn, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.
Các thảm họa thiên nhiên và mực nước biển dâng đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với con người và tài sản, gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng và giảm nghèo, và tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại từ 1% đến 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Cụ thể như cơn bão Hải Yến năm 2013 đã gây thiệt hại tới 1,2 tỉ đô la Mỹ ở 15 tỉnh ở khu vực miền Trung.
Cơn bão Côn Sơn 17/7/2010, đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định với tốc độ gió từ 75 đến 117 km/h (tương đương cấp 11, cấp 12). Đuôi bão quét qua khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên trước khi tan, cơn bão đã để lại hậu quả: 12 người chết, mất tích, hàng chục tàu, thuyền lớn bị đắm, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng…
Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%.
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng trưởng xanh, áp dụng phương thức liên lĩnh vực tập trung vào thích ứng và tăng cường nỗ lực để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Vì vậy để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới đang triển khai 19 dự án tập trung vào các chương trình giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, và các dự án giao thông phát thải các-bon thấp; các chương trình thích ứng khí hậu thông qua nông nghiệp thông minh với khí hậu, khả năng phục hồi sau các thảm họa liên quan tới khí hậu và quản lý nguồn tài nguyên nước.
Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cũng giúp Việt Nam tiến hành các nghiên cứu về phát triển ít phát thải khí nhà kính, lựa chọn ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát chi tiêu công cho biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thể chế, chính sách và phối hợp đa ngành…
Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là tại sao cần phải quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu? Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào? Đâu là những động lực để các nước đang phát triển chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu? Mỗi chúng ta có thể làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu? Ngân hàng Thế giới có lời có thể giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề này?
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2014, ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã đến thăm Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và cũng là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mực nước biển dâng.
Đồng thời ông van Trotsenburg quản lý một danh mục đầu tư trị giá 30 tỷ USD vốn vay, tín dụng ưu đãi, tín dụng không hoàn lại ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Và chỉ đạo việc thực hiện chiến lược của Ngân hàng Thế giới trong khu vực nhằm hỗ trợ các nước đối phó với bốn thách thức chính: thiên tai, nghèo và bất bình đẳng, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, và xây dựng chính phủ hoạt động vì người dân.
Chuyến đi thực tế của ông Trotsenburg và những chia sẻ của người dân về những tác động của BĐKH đến đời sống con người sẽ là những bằng chứng sinh động cụ thể nhất về những tác động của thiên tai đối với đời sống con người Việt Nam để Ngân hàng Thế giới có những hỗ trợ thiết thực nhất trước tác động BĐKH tại Việt Nam.
Thanh Huyền