Tại dự thảo Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Bộ Công Thương đề xuất nhiều ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời.
Ảnh minh họa
Theo dự thảo, các dự án điện mặt trời sẽ được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.
Cụ thể, nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời theo quy định của pháp luật hiện hành. Các dự án điện mặt trời được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Về thuế nhập khẩu, dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Về đất đai, các dự án điện mặt trời và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Dự thảo nêu rõ, căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.
Dự thảo cũng nêu rõ những quy định này chỉ áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng năng lượng mặt trời theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng.
Việt Nam với lợi thế là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới. Đó là cơ sở rất lớn để đất nước chúng ta phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời.
Dự án điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam trên nóc tòa nhà Bộ Công Thương. Dự án có công suất 12kWp gồm 52module x 230Wp.
Ngoài ra, còn có các dự án: Phát điện hỗn hợp Pin mặt trời- Diesel ở thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Quảng Nam; dàn pin mặt trời tại Trung tâm Y tế Tam Kỳ (Quảng Nam); dự án tại Xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình; pin mặt trời cho các đảo Trường Sa; Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình…
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn (Chinhphu.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét