Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo nhưng đến nay hầu như vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả.
Năng lượng Mới số 432
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng như một số tổ chức khác thì Việt Nam có nhiều tiềm năng về 4 dạng năng lượng tái tạo chính là: thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, biomass. Các con số đánh giá về tiềm năng cũng đã được khảo sát và công bố. Cụ thể, tiềm năng điện gió ước tính lên đến 10.000-20.000MW, năng lượng mặt trời 4-5kWh/m 2 /ngày, biomass khoảng 3.000MW, thủy điện nhỏ khoảng 7.000MW. Dù tiềm năng lớn nhưng thống kê của Bộ Công Thương cho thấy số khai thác được rất nhỏ. Đến nay, điện gió chỉ mới khai thác được khoảng 52MW, điện mặt trời khoảng 3,5MW, biomass 150MW, thủy điện nhỏ 1.500MW.
Năng lượng tái tạo giàu tiềm năng nhưng không phát triển được là vấn đề trăn trở của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như những doanh nghiệp tâm huyết trong lĩnh vực này. Bởi áp lực của việc thiếu hụt các nguồn năng lượng sơ cấp như: than, dầu, khí, thủy điện trong tương lai, trong khi nhu cầu năng lượng của đất nước đang ngày càng lớn để đảm bảo cho sự phát triển. Trong tình hình các nguồn năng lượng tái tạo chưa thể phát triển được vì nhiều rào cản, bên cạnh giải pháp tiết kiệm và nhập khẩu năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, quy hoạch điện VII cũng đã phải tính đến việc phát triển nhiệt điện than để giải bài toán trước mắt. Tuy nhiên, yêu cầu tăng khoảng 40% về điện than sau năm 2020 cũng đặt ra áp lực lớn trong việc đảm bảo cung cấp than cũng như hiệu quả của các nhà máy nhiệt điện và vấn đề môi trường.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), phát triển năng lượng tái tạo là nhu cầu bức thiết nhưng đang gặp nhiều vướng mắc, trong đó chủ yếu là do công nghệ và giá thành đầu tư tương đối cao. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ mà để việc phát triển năng lượng tái tạo cân bằng với phát triển các dạng năng lượng truyền thống thì không thể nào phát triển được.
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để phát triển năng lượng tái tạo ngày càng cụ thể và thiết thực, đồng thời đang từng bước có những xem xét, hiệu chỉnh theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đánh giá chính sách hỗ trợ của Việt Nam là chưa đồng bộ và thấp so với các nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Phòng Năng lượng tái tạo, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 3 (PECC3) cho rằng: Các dự án năng lượng tái tạo đều có nguồn vốn rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thu xếp vốn vì đa số các dự án này lợi nhuận thấp hoặc không có, cho nên tìm các nguồn tài trợ từ ngân hàng rất khó khăn do ngân hàng không thấy được hiệu quả đầu tư, không cho vay. Giá mua điện gió hiện nay theo đánh giá của rất nhiều nhà đầu tư là thấp, không đủ hỗ trợ cho họ phát triển nên các nhà đầu tư vẫn đang chờ Chính phủ xem xét, hiệu chỉnh. Trong khi đó, giá điện sinh khối hiện cũng chưa hấp dẫn; giá điện từ pin mặt trời thì chưa được xây dựng…
Là đơn vị đầu tư một số dự án điện gió tại Việt Nam, ông Tô Hoài Dân, Công ty Công Lý cho rằng: Đối với điện gió thì theo Quy hoạch điện VII đến năm 2020 phát triển đạt 1.000MW (chiếm 1,5 tổng sản lượng điện quốc gia), đến 2030 là 6.200 MW (chiếm 4,5 tổng sản lượng điện quốc gia). Để đạt được mục tiêu này thật sự là một thách thức rất lớn, bởi từ nay đến năm 2020 chỉ còn 5 năm nữa nhưng do giá điện của điện gió chúng ta đưa ra hiện nay là 7,8cents/kWh tương đối thấp, chưa kích thích được các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp tham gia.
Thực tế đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo còn cho thấy nhiều vấn đề khác. Hầu hết các thiết bị làm dự án chúng ta không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Như nhập khẩu turbine gió của Mỹ, châu Âu về thì riêng tiền vận chuyển cũng chiếm khoảng 10-15% giá trị, làm cho giá thành đầu tư, giá năng lượng của chúng ta cao. Với một dự án điện gió công suất khoảng 30MW thì tối thiểu phải đầu tư 50 triệu USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ nên tìm kiếm nguồn vốn để phát triển năng lượng tái tạo là rất khó khăn. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng của nước ta chưa tốt, một số dự án nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra để làm đường vận chuyển thiết bị, kéo lưới, đội giá thành đầu tư lên.
Ngoài khó khăn về việc thu xếp vốn thì nguồn nhân lực hiện nay cũng là một thách thức lớn bởi hiện nay nước ta chưa có một trường nào đào tạo chuyên ngành về năng lượng tái tạo nên đây là lực lượng rất khó tìm kiếm ở Việt Nam. Hầu hết lực lượng về phát triển năng lượng tái tạo đều được đào tạo từ nước ngoài về và lượng này rất ít. Với nguồn lực như vậy rất khó khăn cho sự phát triển.
Trước thực trạng này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mặc dù rất muốn khai thác tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo ở nước ta nhưng họ vẫn chưa thể đẩy nhanh việc triển khai mà còn chờ các hiệu chỉnh chính sách cũng như các điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.
Hiện nay, sôi động nhất là các dự án điện gió, với 77 dự án quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành trên cả nước, tổng công suất trên 7.000MW. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận với gần 40 dự án. Dù có rất nhiều dự án đã đăng ký nhưng do trở ngại đã có không ít dự án phải ngưng lại. Dự kiến, đến năm 2020 chỉ có khoảng 10 dự án khả thi được đưa vào vận hành.
Riêng với các dự án điện gió, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo nhận định, thị trường điện gió Việt Nam hiện đang rất sôi động, chỉ cần có những yếu tố thuận lợi sẽ phát triển mạnh. Dự kiến trong năm nay, Chính phủ sẽ có điều chỉnh giá điện gió để hấp dẫn hơn với nhà đầu tư; hy vọng khi có giá điện mới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào các dự án điện gió ở Việt Nam.
Đối với các dạng năng lượng tái tạo khác, mặc dù cũng có nhiều dự án đã đăng ký nhưng đa số chỉ dừng lại ở mức độ lập dự án mà chưa có xúc tiến nào khác. Như điện mặt trời quy mô công nghiệp được một số nhà đầu tư lập dự án ở: Côn Đảo, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh… nhưng cũng chỉ trong quá trình lập dự án, chưa có những thiết kế chi tiết sâu hơn và chưa biết chừng nào thực hiện được. Còn năng lượng sinh khối ở nước ta rất dồi dào, đa dạng nhưng hiện nay chủ yếu vẫn chỉ làm chất đốt hoặc để mục nát ngoài đồng, giá trị kém do không có nhiều phương án sử dụng; các dự án thủy điện nhỏ gặp khó khăn trong quá trình triển khai vì thời gian qua, một số chủ đầu tư làm một số dự án chưa được bài bản, gây sự cố, từ đó phát sinh nghi ngại về việc thủy điện nhỏ gây hại cho môi trường nên không được người dân ủng hộ.
Nhìn chung, phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta còn rất nhiều rào cản. Tuy nhiên, đây là yêu cầu cấp thiết và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp khắc phục, hỗ trợ các nhà đầu tư. Hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước chúng ta sẽ khai thác và sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng này để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Mai Phương - bao moi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét