Các nhà khoa học cho rằng chuyển hóa rác thải tạo năng lượng sẽ là hướng xử lý tiềm năng và là công nghệ của tương lai khi mà các bãi rác ở các thành phố lớn của Việt Nam sắp hết chỗ chôn lấp.
Nhìn ra thế giới…
Việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác thải tại các nước đang phát triển gặp nhiều hạn chế, đặc biệt về vốn đầu tư và công nghệ.
Nhiều nước đã giải quyết được vấn đề rác thải, đặc biệt, rác đã được chuyển thành nguyên liệu thô cho các hoạt động công nghiệp. Đơn cử, các nước khu vực Bắc Âu, Singapore đã ứng dụng công nghệ WTE để xử lý cho toàn bộ rác thải đô thị. Một số nước công nghiệp như Nhật Bản, Mỹ, Đức đã phát triển các công nghệ sử dụng và tái chế rác thải đô thị ở mức từ 50% đến trên 75%.Công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm vượt trội là chuyển hóa rác thành điện. Điện năng tự thân nó được xem là năng lượng sạch và là dạng năng lượng cao cấp nhất. Hiện Mỹ có 121 nhà máy “điện từ rác” ở 29 bang, trong khi châu Âu có gần 400 nhà máy, và châu Á có hơn 300 nhà máy.
Theo thống kê sơ bộ, doanh thu của hoạt đông tái chế rác thải toàn cầu dự đoán đạt 29 tỷ đô vào năm 2016. Hiện nay, việc xây dựng các nhà máy tái chế rác thải thành năng lượng đang ngày càng phát triển vô cùng mạnh mẽ tại các khu vực có mật độ dân số cao trên thế giới như Tây Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Đồng thời, dự báo năm 2016 ở các khu vực có nền kinh tế đã phát triển cũng sẽ xây mới các nhà máy tái chế rác thành năng lượng nhưng với công nghệ hết sức hiện đại.
Các chuyên gia môi trường nhận định, việc chôn lấp rác thải chỉ là giải pháp tạm thời, hơn nữa cũng gây ra một số vấn đề về môi trường. Vì thế, việc xử lý rác thải trong các nhà máy tái chế thành năng lượng là lựa chọn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường, đồng thời còn có giá trị bảo tồn năng lượng, tạo ra nguồn năng lượng bền vững.
Tuy nhiên, để nhà máy xử lý rác thải hoạt động một cáchhiệu quả yêu cầu nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến khâu quản lý và vận hành đúng đắn. Ngoài ra, cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để bổ sung chuyên môn và kiến thức trong khai thác năng lượng từ rác thải.
Không nằm ở vấn đề tài chính
Tại Hà Nội, rác thải hữu cơ đạt mức 7,500 tấn/ngày, với thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ như rau, rác thực phẩm và một số chất khác. Hầu hết rác thải tại Hà Nội được xử lý chôn lấp, một phần nhỏ được đưa đi tái chế và chỉ khoảng 10% được tái chế tự phát tại các làng nghề thủ công. Trong khi đó, TP HCM mỗi năm tiêu tốn hơn 200 tỉ đồng cho việc xử lý 7.000 tấn rác/ngày. Chưa bao giờ việc xử lý rác thải lại đặt ra nhiều thách thức nặng nề cho cơ quan chức năng như hiện nay.
Các chuyên gia đánh giá, sự chuyển hóa rác thành khí nhiên liệu không phải là vấn đề tài chính, chủ yếu là phụ thuộc vào công nghệ được áp dụng. Việt Nam có thể áp dụng công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng phổ biến nhất là đốt phân hủy rác, giải quyết nhanh những bức xúc về ô nhiễm và quá bão hòa bãi chôn rác thải sinh hoạt. Đồng thời cần từng bước xây dựng công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng phù hợp, nhất là đối với rác thải sinh hoạt ở nông thôn và các đô thị vừa và nhỏ.
Bằng chứng là, Công ty dịch vụ môi trường Thăng Long đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn đốt có và không thu hồi nhiệt. So sánh với các công nghệ lò đốt rác khác tại Việt Nam, công nghệ này đã có cải tiến ở nhiều tính năng mới như sử dụng thiết bị cắt để sơ chế rác có kích thước đều đặn hơn, tạo môi trường để sấy rác với hiệu suất cao. Do đó, nhiệt được thu hồi từ quá trình đốt oxi hóa rác để sấy khô rác và sấy nóng nguyên liệu, kể cả không khí tự nhiên cấp cho lò đốt. Hơn nữa, quy trình công nghệ này nổi bật ở hệ thống phân loại về kích cỡ và thành phần rác thải; độ đồng đều của kích cỡ trước khi sấy để nâng cao hiệu suất sấy.
Đặc biệt, cách thu hồi nhiệt để sấy nguyên liệu rác và sấy không khí sẽ giúp tiết kiệm một phần nhiên liệu đốt, hạn chế lượng nguyên liệu có nhiệt độ môi trường khi đưa vào lò. Hơn nữa, công nghệ này rất bảo vệ môi trường, giảm phát thải tới 75% và giảm 85% diện tích chôn lấp.
Với khả năng ứng dụng rộng rãi ở quy mô công nghiệp, dễ dàng chế tạo và lắp đặt thiết bị nội địa hóa, thuận tiện quản lý và vận hành, giảm chi phí đầu tư ban đầu so với các công nghệ hiện hành, công nghệ đốt rác thu nhiệt đã được ứng dụng tại Nhà máy xử lý rác tại Sơn Tây với công suất 300 tấn/ngày, hoạt động chính thức từ năm 2012, xử lý rác thu gom từ Hà Nội. Công suất xử lý hiện đã đạt 83% công suất thiết kế.
Theo Phương Anh (Báo Tài Nguyên & Môi Trường)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét