Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Trung Quốc thử nghiệm vũ khí mới

Tap chí Quân sự IHS Jane’s ngày 21/10 đưa tin Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm khí cầu mang tên Yuanmeng ở môi trường cận vũ trụ, khoảng giữa 20 km tới 100 km trong bầu khí quyển, trong thời gian kéo dài 48 giờ.

Hình minh họa cho khí cầu Yuanmeng (Ảnh: TheDiplomat)

Khí cầu Yuanmeng đã bay lên đến độ cao 20km trong bầu khí quyển ở khu vực thử gần Xilinhot tại Nội Mông. Sau khi đạt được độ cao nhất định, khí cầu này đã sử dụng năng lượng mặt trời để ba động cơ cánh quạt hoạt động.
Khí cầu Yuanmeng của Trung Quốc là một trong những khí cầu chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo tạp chí Popular Science, khí cầu này chứa 18.000 m3, dài 75m và cao 22m.
Trong lần thử nghiệm này, khí cầu đã mang theo lô hàng hóa nặng khoảng từ 5-7 tấn, bao gồm hệ thống đường truyền Internet băng rộng, hệ thống truyền phát dữ liệu, hệ thống giám sát không gian và hệ thống chụp ảnh trên không. Đây đều là những hệ thống có khả năng hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Một nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án trả lời tờ Want China Times của Đài Loan cho biết khí cầu Yuanmeng được làm bằng vật liệu siêu nhẹ có khả năng chịu được áp lực lớn và trang bị tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả cao, cũng như các hệ thống điện tử nhẹ.
“Thách thức lớn nhất hiện nay với khí cầu Yuanmeng là khả năng hoạt động trong thời điểm thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm”, một nhà khoa học khác trả lời trên trang điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo.
Khí cầu Yuanmeng do Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh và Khoa Vũ trụ Hàng không của Đại học Bắc Kinh thiết kế và phát triển. Khí cầu này được phát triển phục vụ mục đích dân sự như theo dõi thời tiết, đánh giá về các vụ mùa và hỗ trợ các chương trình tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, theo một bài báo của Trung Quốc được tạp chí Jane’s trích dẫn cho rằng “từ góc nhìn an ninh quốc gia, các khí cầu có khả năng hoạt động ở khu vực cận vũ trụ mang tới lợi thế rõ rệt cho các hệ thống cảnh báo sớm, hỗ trợ hệ thống liên lạc trên biển và tham gia công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công”.
Ví dụ nếu xảy ra cuộc xung đột trong tương lai khi mà các hệ thống vệ tinh liên lạc của Trung Quốc bị khóa hoặc những vệ tinh này bị phá hủy bởi các loại vũ khí của đối phương, khí cầu  Yuanmeng có thể trở thành một trung tâm liên lạc cho các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Theo tờ Popular Science, hoạt động trên khu vực cận vũ trụ cho phép khí cầu có tầm nhìn rõ ràng trên mọt khu vực rộng lớn, điều rất quan trọng cho các hệ thống radar và vệ tinh theo dõi. Tăng khả năng theo dõi đồng nghĩa với việc tăng thời gian cảnh báo sớm những mối đe dọa “tàng hình” như tên lửa đạn đạo, qua đó cho phép các lực lượng của quân đội Trung Quốc sớm phát hiện và bắn hạ những mối đe dọa như vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không có khó thể bắn được các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trung Quốc nhờ khả năng cảnh báo sớm từ khí cầu Yuanmeng.
Dù khí cầu Yuanmeng dễ dàng bị tấn công bởi các tên lửa hoặc những loại vũ khí chống vệ tinh, nhưng với hệ thống cảm biến, khí cầu này có thể được Trung Quốc sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm trong một cuộc chiến công nghệ cao trong tương lai. Cụ thể, khí cầu Yuanmeng sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng chống tiếp vận và phát hiện sớm ra các tên lửa, máy bay tàng hình hay tàu chiến của đối phương.
Ngọc Anh
Theo The Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét