Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Chuyện lần đầu mới kể về những người giữ [mắt biển] Hoàng Sa

Trạm hải đăng Ba Làng An (Quảng Ngãi) có 5 người. Mỗi người đến từ mỗi nơi khác nhau, nhưng họ đều có chung niềm khao khát, được giữ mãi ánh sáng cho những tàu thuyền lênh đênh trên biển...

Bền bỉ, âm thầm, lặng lẽ giữa bốn bề mênh mông sóng nước, bất kể nắng, mưa suốt những năm qua, "ánh chớp" trong đêm trên ngọn đèn của họ chưa một lần lỗi hẹn với tàu, thuyền trên biển… Đó là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của người gác đèn biển.
Những người đối đầu… mưa bão
Trạm hải đăng Ba Làng An (thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có năm người. Mỗi người đến từ mỗi nơi khác nhau, nhưng họ đều có chung niềm khao khát, được giữ mãi ánh sáng và trao niềm tin cho những chuyến tàu lênh đênh trên biển rộng.
Trạm đèn biển Ba Làng An.
Những ngày cuối tháng 10, tiết trời Quảng Ngãi đang bước vào giai đoạn chuyển mùa. Trong cái se se lạnh, men theo con đường xanh rì hai hàng dương liễu, chúng tôi tìm đến trạm đèn biển Ba Làng An cách mực nước biển 36,5m, nằm ở vị trí ngoài cùng của mũi Ba Làng An.
Ba Làng An là tên gọi dân dã của việc gộp ba ngôi làng có tên An gồm: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi). Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, các thông số đo đạc địa lý cho thấy, nằm gần nhất với Hoàng Sa chính là Ba Làng An với chiều dài 135 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách từ Hoàng Sa đến đất liền lục địa Trung Hoa tối thiểu phải hơn 230 hải lý.
Trạm đèn biển Ba Làng An là một ngôi nhà khang trang và bề thế. Nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc... đều gọn gàng sạch sẽ. Xung quanh trạm xanh mướt những vạt rau. Phía trước là cụm tiểu cảnh với những chậu kiểng dáng thế khá đẹp, được xén tỉa công phu. Phía sau là những chuồng trại tăng gia nuôi gà của anh em giữ đèn. Bên hông nhà, các tấm pin năng lượng mặt trời được đặt cẩn thận để cung cấp nguồn năng lượng cho đèn biển và đời sống sinh hoạt của họ.
Tiếp chúng tôi Trưởng trạm Ngô Duy Anh (40 tuổi, quê ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay toàn đội canh giữ đèn biển có năm thành viên, người gắn bó 30 năm trong nghề đèn biển, ông Nguyễn Xuân Thái (52 tuổi, quê ở Hải Phòng). Ngoài ra còn có anh Phan Màu (35 tuổi, quê Hà Tĩnh), anh Hoàng Trung Kiên (37 tuổi, quê Nghệ An). Người trẻ nhất là anh Nguyễn Văn Thắng (31 tuổi, quê Nghệ An). Tất cả họ đều chấp nhận xa gia đình, người thân để "giữ lửa" cho ngọn hải đăng Ba Làng An.
"Đèn sáng ở Ba Làng An chớp nhóm 2, chu kỳ 6 giây. Mùa đông bật đèn lúc 17h chiều và tắt đèn lúc 6h sáng. Mùa hè mở lúc 18h chiều và tắt đèn lúc 5h sáng. Để duy trì cho ngọn hải đăng hoạt động liên tục, chúng tôi phải chia nhau ca trực. Mỗi tối gồm ba người trực", Trạm trưởng Anh nói thêm.
Được sự cho phép của Trưởng trạm, anh thợ máy Nguyễn Xuân Thái dẫn cánh PV lên vị trí đặt đèn chiếu sáng. Khi leo lên bậc thang cuối cùng gần đỉnh đèn hải đăng, luồng gió lạnh từ biển thổi vào khiến chúng tôi phải leo xuống để mặc áo mưa và tiếp tục cuộc "hành trình".
Kiểm tra, bảo dưỡng hải đăng, hệ thống điện, hệ thống pin mặt trời, ắc quy, trao đổi thông tin với các trạm liên quan và cung cấp thông tin về tổng công ty... là những công việc hàng ngày của các anh. Nói tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp và nguy hiểm. Nếu như dưới mặt đất gió đang cấp 4, cấp 5 thì lên trên đỉnh hải đăng, gió đã mạnh lên thành cấp 7, cấp 8; vào những ngày bão, gió lại càng hung dữ hơn.
Vậy mà, các anh ở trạm hải đăng vẫn thoăn thoắt leo lên đỉnh ngọn đèn để lau chùi "mắt biển". Vừa lau, ông Thái vừa tâm sự: "Giữa cơn cuồng phong, đèn biển càng phải phát sáng để làm hướng đi cho những con tàu đang tuyệt vọng. Vậy nên, bất chấp mưa bão như thế nào, chúng tôi cũng phải leo lên đây để kiểm tra đèn".
Chuyện tình cảm động của người gác đèn và cô giáo trẻ
Vẫn biết công việc đầy gian nan thử thách như vậy, nhưng với những người gác đèn ở Ba Làng An, nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai của họ. Mấy chục năm trời ròng rã, những người đàn ông này vẫn cần mẫn với nhiệm vụ thắp sáng Biển Đông. Ông Nguyễn Xuân Thái, người gắn bó với trạm đèn Ba Làng An lâu nhất cho biết, ông quê ở tận Hải Phòng, vào Trạm hải đăng Ba Làng An công tác gần 30 năm nay, lâu lâu mới có dịp về thăm gia đình. Ngần đó thời gian ông đã gắn bó với ngọn hải đăng, nhưng vợ và các con của ông chưa một lần vào thăm ông được vì gia cảnh còn nhiều khó khăn.Gia đình chỉ biết động viên ông qua những cuộc điện thoại.
"Niềm đam mê và tình yêu dành cho ngọn hải đăng đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người gác đèn. Chúng tôi gắn bó với nơi đây từ thời trai trẻ cho tới lúc già yếu. Làm công việc này, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Đặc biệt, vợ con luôn là nguồn động viên lớn nên nhiệm vụ nào trong suốt 30 năm qua tôi đều hoàn thành tốt", ông Thái hào hứng chia sẻ về công việc của mình.
Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, sống xa gia đình nhưng khi chúng tôi hỏi tại sao các anh lại chọn nghề canh giữ "mắt biển", anh Phan Màu cười: "Nghề nào cũng phải có những hy sinh, công tác ở đâu cũng là công việc. Xa gia đình, nhưng ở đây mọi người đều chia sẻ với nhau. Mỗi năm cũng được về nhà nghỉ phép một lần. Các anh em đều thấy bình thường". Anh Màu quê ở tận Hà Tĩnh, vào trạm đèn biển Ba Làng An công tác được hơn 5 năm nay. Đáng nói, anh nhận nhiệm vụ này khi vừa mới lấy vợ được 2 tháng.
Có lẽ may mắn nhất là thợ máy Nguyễn Văn Thắng (30 tuổi, quê Nghệ An), khi được làm rể xứ này. Vợ anh Thắng là cô giáo dạy ở trường trung học cơ sở cách nơi anh làm việc gần 6km. Câu chuyện tình yêu của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhấp ngụm trà, anh Thắng ngượng ngùng kể, anh quen cô giáo Võ Thị Hồng Thịnh trong một lần trường chị tổ chức giao lưu văn nghệ với Trạm đèn biển Ba Làng An. Lần đầu tiên gặp mặt, anh Thắng như bị "hớp hồn" trước vẻ đẹp hiền lành của cô giáo trẻ. Sau những lần trò chuyện, tình yêu nảy nở từ lúc nào không hay.
Ngày đầu anh chị yêu nhau, vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình chị Thịnh. Với lý do quê anh Thắng ở quá xa, lại làm công việc gác đèn, sáng tối đều xa nhà. Vượt qua mọi rào cản, cả hai đã chứng minh được tình yêu của mình. Năm 2010, một đám cưới thật hạnh phúc đã diễn ra. "Kết quả tình yêu của chúng tôi là một cậu con trai 5 tuổi và một bé gái 11 tháng tuổi. Gia đình vừa xây xong căn nhà cấp 4 nhỏ cách nơi tôi công tác khoảng 7 cây số. Bây giờ hết ca trực, tôi có thể về nhà chăm sóc vợ con rồi", vừa nói anh Thắng vừa khoe hình vợ con trong điện thoại.
Nhà ở gần trạm đèn biển Ba Làng An nên những lúc rảnh rỗi, chị Thịnh vẫn thường lên đây để thăm anh em. Có bàn tay người phụ nữ, cuộc sống của năm người đàn ông cũng bớt đi sự tẻ nhạt. Mỗi lần lên, chị Thịnh đều gói ghém nhiều loại quà để các anh vơi bớt đi chút thiếu vắng của quê nhà.
Một năm, người gác đèn có 16 ngày nghỉ phép để về thăm nhà. Cứ qua 5 năm, mỗi người lại được nghỉ thêm một lần nghỉ phép. Do vậy, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để về chung vui bên gia đình. Câu chuyện cởi mở và tình cảm chân thành của các anh làm chúng tôi thêm ngưỡng mộ công việc cao cả mà họ đang làm. Phía biển xa, những cơn sóng dồn dập xô vào bờ đá, những luồng gió lạnh báo hiệu một mùa "vất vả" với những người gác đèn biển lại về...
Dương Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét