Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Hà Nội tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành đô thị xanh

Trong 5 năm từ 2011-2015, Hà Nội thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giảm hệ số đàn hồi năng lượng/GDP từ 2,0% (năm 2006) xuống 1,48% (năm 2015).
Theo tiến sỹ Đào Hồng Thái, chuyên gia về môi trường, Hà Nội đang theo đuổi con đường tăng trưởng sạch, bền vững và sử dụng nguồn nguyên lực hiệu quả hơn. Đó là con đường đúng đắn trong hành trình phát triển bền vững hướng tới một thành phố "xanh."
Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, góp phần giảm hệ số đàn hồi năng lượng/GDP của Việt Nam, hướng tới nền kinh tế cácbon thấp, ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố Hà Nội cần phải phát triển nguồn nhân lực quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng.

Hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: TTXVN)
Các công trình xây dựng khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt, khu vực phát triển đô thị cần được quy hoạch các công trình xây dựng đồng bộ với hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng, sử dụng tối đa điều kiện tự nhiên hướng đến Mặt Trời, hướng gió, tăng diện tích cây xanh, tiến sỹ Thái nhấn mạnh.
Hà Nội sử dụng trang thiết bị có hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ trang thiết bị công nghệ lạc hậu, áp dụng tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến.
Đối với các tòa nhà xây dựng, Hà Nội đã quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả." Chương trình đã có 258 giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó 102 giải pháp đã được các tòa nhà thực hiện, tiết kiệm 3.767 TOE tương đương 75,69 tỷ đồng.
Thành phố xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các loại hình tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng: Công ty tòa nhà HITC, Khách sạn Sheraton, tòa nhà Ocean Park, tòa nhà Agribank, Siêu thị Big C Thăng Long, Trung tâm thương mại Savico Megamall. Trong số đó, 2 đơn vị đạt giải quản lý năng lượng của ASEAN là tòa nhà Agribank (đạt giải nhì) và tòa nhà Ocean Park (đạt giải 3). Thành phố phổ biến, nhân rộng mô hình thành công về nâng cao hiệu suất năng lượng để các cơ sở sử dụng năng lượng có mô hình tương tự áp dụng.
Ngoài ra, Hà Nội áp dụng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng hệ thông giao thông vành đai, xuyên tâm, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng được từ 15% nhu cầu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong giao thông; đầu tư phương tiện vận tải có chất lượng cao, tiêu hao ít nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường./.
Theo Xã Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét