Thông báo ngày 11/11 của Chính phủ Saudi Arabia cho biết sẽ đa dạng hóa nền kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này có thể cắt giảm 130 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm vào năm 2030.
Ảnh minh họa. (Nguồn: visiontimes.com)
Saudi Arabia là thành viên cuối cùng trong nhóm 20 nền kinh tế chủ chốt thế giới (G20) trình kế hoạch cắt giảm khí thải lên Liên hợp quốc trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại Paris (Pháp). Đây là động thái hiếm hoi giữa lúc Saudi Arabia lo ngại nền kinh tế đất nước có thể bị de dọa khi thế giới dần chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo.
Mặc dù không đề cập chi tiết kế hoạch cắt giảm khí thải, Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố đặt mục tiêu giảm 130 triệu tấn carbon dioxide (CO2) quy đổi mỗi năm vào năm 2030 thông qua kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ được tái đầu tư cho các lĩnh vực có lượng khí phát thải thấp hơn như tài chính, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng tái tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng sẽ tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và đẩy mạnh đầu tư để phát triển các nhà máy phát điện sử dụng năng lượng Mặt Trời, gió và địa nhiệt.
Saudi Arabia dựa chủ yếu vào nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách, nhưng giá dầu sụt mạnh thời gian qua khiến Riyadh phải đưa ra các biện pháp khắc khổ. Cho tới nay, Saudi Arabia đã phát hành hơn 100 tỷ riyal (27 tỷ USD) trái phiếu nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng được các khoản chi khổng lồ.
Saudi Arabia dự báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay sẽ ở mức 39 tỷ USD.
Trong hơn một năm qua, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm hơn một nửa xuống dưới 50 USD/thùng, khiến Saudi Arabia bị thâm hụt ngân sách 17,5 tỷ USD năm 2014, đánh dấu lần thâm hụt thứ hai kể từ năm 2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét