Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

El Nino có thể gây thiếu điện

Việt Nam cần tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường trao đổi điện với các nước trong khu vực Châu Á mới hy vọng đáp ứng nhu cầu điện gia tăng từ 7% đến 10% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, theo hội thảo về định hình tương lai bền vững của ngành điện Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay 4-11.

Theo thông cáo báo chí từ hội nghị, các chuyên gia cho rằng khi nhu cầu năng lượng gia tăng phục vụ phát triển kinh tế dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả và khai thác nhiều nguồn năng lượng khác nhau mới đảm bảo được nguồn cung điện bền vững với giá cả hợp lý. Các nguồn đó bao gồm than, khí thiên nhiên, gió, mặt trời và thủy điện mới .
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cân nhắc tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trao đổi điện với các nước trong khu vực Châu Á. Được biết hiện nay Việt Nam mới chỉ thực hiện việc mua, bán điện với hai nước là Trung Quốc và Campuchia.
Cũng theo thông cáo báo chí từ hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, từ năm 1990 đến nay, tỉ lệ người dân Việt Nam được cấp điện đã tăng từ 14% lên 98%.
Thông cáo trích dẫn phát biểu của ông Axel Van Trotsenburg, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng “Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp khả năng tiếp cận điện cho người dân, với hầu hết 100% dân số có điện. Tiếp cận điện năng cũng đã song hành với cải thiện hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ. Vấn đề chính hiện nay là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, khi cùng lúc phải tuân thủ những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu.”
Việt Nam có tỉ lệ năng lượng tái tạo cao trong tổng cơ cấu phát điện, với thủy điện chiếm 42% tổng phát điện, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Trong tương lai, kể cả khi Việt Nam khai thác tốt tiềm năng năng lượng tái tạo vẫn có thể không đáp ứng đủ nhu cầu.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động các nhà máy thủy điện trên cả nước.
Hiện cả nước có 74 nhà máy thủy điện vừa và lớn đang vận hành với tổng công suất là 14.033 MW. Do tác động của El Nino nên lượng nước về các hộ thủy điện rất thấp, kéo theo tổng sản lượng thủy điện khai thác trong năm 2015 này chỉ đạt 55,3 tỉ kWh, ít hơn 4,5 tỉ kWh so với năm 2014. Dự báo đến cuối năm 2015 nhiều hồ thủy điện không tích đủ nước so với mức nước bình thường kéo theo tổng sản lượng thủy điện hụt hàng tỉ kWh, tập trung chủ yếu ở các hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên.
Tác động của El Nino bắt đầu từ cuối năm 2014 và được dự báo tiếp tục kéo sang năm 2016, gây tác động không nhỏ đến sản xuất thủy điện vốn đang chiếm một tỉ trọng lớn trong cơ cấu điện cả nước hiện nay. EVN đánh giá các hồ có thể không đủ nước đáp ứng nhu cầu nước hạ du trong năm 2016 là Quảng Trị, A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, KaNak, Đại Ninh.
Riêng sang năm 2016, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh kế (GDP) 6,5% thì dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm xấp xỉ 11% so với năm 2015. EVN đã đưa ra nhiều phương án đảm bảo nguồn cung điện cho cả nước, theo đó trong 6 tháng mùa khô năm 2016, các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí miền Nam được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Các nguồn thủy điện miền Nam được điều tiết để giữ mực nước cao đến hết tháng 4-2016 để đảm bảo cung cấp điện hết mùa khô. Với giả thiết các tổ máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 vận hành ổn định, cung cấp khoảng 6,2 tỉ kWh trong mùa khô thì có thể sẽ không phải huy động các tổ máy nhiệt điện dầu để lấy sản lượng, tuy nhiên trong một vài trường hợp (sự cố tổ máy, sự cố nguồn khí, sự cố đường dây truyền tải) có thể phải huy động nhiệt điện dầu để đảm bảo điện áp, chống quá tải.
Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9-2016, ngành điện sẽ phải huy động gần 5,2 tỉ kWh các nguồn điện chạy dầu trong những thời điểm nguồn cung khí cho các nhà máy nhiệt điện khí bị cắt (nhà máy khí Nam Côn Sơn bảo dưỡng lớn năm 2016).
Solarv Team

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét