Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Tái Chế Tế Bào Năng Lượng Mặt Trời Silicon: Một Tương Lai Tươi Sáng

(nangluong.edu.vn) - Các nhà khoa học Hàn Quốc đã phát triển một phương pháp bền vững để tái tạo những phiến silicon (solar wafer) từ pin năng lượng mặt trời cũ và sử dụng silicon tái chế đó làm thành những tế bào năng lượng mặt trời mới.

Khai thác năng lượng mặt trời ứng dụng công nghệ quang điện giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch. Hàng triệu tấm pin năng lượng mặt trời đảm bảo hiệu suất khoảng 25 năm được lắp đặt mỗi năm sẽ tăng lượng rác thải tế bào năng lượng mặt trời đáng kể trong vài thập kỷ tới. Vì vậy yêu cầu tái chế tại các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời nhằm giảm tải lượng rác thải từ thiết bị điện – điện tử (WEEE) là điều tất yếu. Việc chế tạo những tấm pin mới từ nguyên vật liệu tái chế không chỉ duy trì độ tin cậy của ngành công nghiệp xanh, mà còn giảm chi phí sử dụng năng lượng mặt trời một cách đáng kể.
Axit mạnh và bazơ loại bỏ các điện cực kim loại; lớp phủ, lớp cực phát (emitter) và các lớp khác được tán thành bột trong một máy nghiền, để lại những phiến silicon nguyên vẹn.

Axit mạnh và bazơ loại bỏ các điện cực kim loại; lớp phủ, lớp cực phát (emitter) và các lớp khác được tán thành bột trong một máy nghiền, để lại những phiến silicon nguyên vẹn.
Nhiều công nghệ tái chế tế bào năng lượng mặt trời silicon hiện tại đều bắt đầu bằng việc tách các phiến silicon ra khỏi tấm pin. Ngay sau đó, các lớp này đều được lược bỏ các tạp chất bằng dung dịch axit hydrofluoric. Dung dịch axit này không những tác động xấu đến môi trường mà còn có thể gây bỏng thậm chí tử vong khi tiếp xúc với da.
Nochang Park và cộng sự thuộc Viện Công nghệ Điện tử Hàn Quốc và Viện Công Nghệ Khoa Học Hàn Quốc đã phát triển một phương pháp hoàn toàn mới tái chế những tấm pin năng lượng mặt trời silicon hết hạn sử dụng. Theo Chemistry World, ông Park nói rằng đây là phương pháp đầu tiên không sử dụng chất hoá học độc tính cao như axit hydrofluoric. Đầu tiên, tấm pin năng lượng mặt trời được nung nóng tới 480°C trong lò để chất keo bên trong các phiến silicon bốc hơi. Thật ngạc nhiên, nếu nhiệt độ tăng lên chính xác 15°C mỗi phút thì không có phiến silicon nào vỡ trong suốt quá ngày nung nóng. Sau khi một phiến silicon nguyên vẹn được lấy ra từ tấm pin, thì điện cực bạc (điện hoá) của nó được tách ra khỏi bề mặt trên cùng bằng axit nitric. Các lớp phủ AR, lớp cực phát và lớp chuyển tiếp p-n sau đó được nghiền thành bột. Cuối cùng, kali hydroxide khắc điện cực nhôm ra khỏi phía sau của phiến silicon. Tế bào năng lượng mặt trời được tái tạo từ những phiến silicon tái chế có hiệu suất ngang bằng những tấm pin được làm từ silicon mới.
Steven Giard, nghiên cứu sự bền vững của cấu trúc nano tại đại học Wisconsin-Whitewater, US đánh giá đây là một phương pháp đáng ghi nhận. “Điều thực sự khác biệt của phương pháp mới này là nó thực sự đơn giản, có thể mở rộng, chi phí không đắt và ít độc hại… Tôi khá bất ngờ rằng tỉ lệ họ có thể phục hồi những phiến silicon nguyên vẹn lên đến 100%”. Efrain Ochoa, chuyên gia tế bào năng lượng mặt trời silicon thuộc đại học Malaga, Tây Ban Nha thực sự ấn tượng “Đây là phương pháp chứng minh một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực tái sinh các phiến silicon, một giải pháp tiềm năng mang lại ảnh hưởng tích cực đến ngành công nghiệp năng lượng tái tạo”

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

5 công nghệ về năng lượng mặt trời thay đổi thế giới

(nangluong.edu.vn) - Với việc chúng ta đang làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nguồn năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng tương lai. Liệu có nguồn năng lượng nào dồi dào hơn năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng miễn phí có sẵn khoảng 12 tiếng mỗi ngày và thậm chí nhiều hơn ở một vài nước để khai thác? Năng lượng mặt trời đang dần trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng nhiều nhất qua nhiều năm và các nhà sáng tạo đang tìm kiếm nhiều cách tốt hơn để khai thác nguồn năng lượng này. Đó là các dự án ứng dụng lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, phương tiện giao thông, quần áo, điện thoại đi động và nhiều hơn nữa.

Dưới đây là một trong những phát minh thay đổi thế giới về nguồn năng lượng tái tạo:

Chảo gương mặt trời (Mirrored solar dishes)

White_Cliffs_solar_plant
Được biết đến với nhiều ưu điểm nổi trội, nhiều người thường thắc mắc về lý do tại sao năng lượng mặt trời không phải là nguồn năng lượng duy nhất. Điều đó vẫn chưa thành hiện thức vì các thiết bị năng lượng mặt trời còn có giá thành khá cáo. Tận dụng năng lượng từ những vùng được đánh giá là nhiều năng lượng mặt trời như sa mạc cũng không phải là một điều dễ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng việc phát minh ra những chảo gương mặt trời (mirrored solar dishes) có thể là giải phát tối ưu nhất để khai thác năng lượng mặt trời với giá rẻ nhất.
Hệ thống thu năng lượng mặt trời với chi phí thấp có thể thu ánh sáng mặt trời 2000 lần. Chảo mặt trời được bao phủ bởi nhiều lớp gương giúp hướng tia nắng quy tụ vào một vùng nhỏ nhất định. Hình lõm lòng chảo cho phép thu hầu hết tia nắng từ mặt trời xuyên suốt ngày. Thiết kế hệ thống thu năng lượng mặt trời hình lõm được đánh giá là hiệu quả hơn hệ thống pin. Trong khi những hệ thống thông thường chỉ chuyển hoá khoảng 20% nắng từ mặt trời thành năng lượng thì hệ thống chảo gương mặt trời có thể chuyển hoá lên đến 80%.

Pin điện Telsa

Một thử thách khác khi ứng dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tái tạo ngoài chi phí thiết bị cao là công nghệ lưu trữ năng lượng. Lưu trữ năng lượng là chìa khoá để biến năng lượng mặt trời trở nên phổ biến hơn ngày nay và đó là nguồn cảm hứng từ pin điện của Telsa. Được mệnh danh là “Năng lượng Telsa”, pin điện được thiết kế nhằm lưu trữ năng lượng mặt trời hiệu quả hơn nhưng loại pin khác trên thị trường hiện nay.
Kết hợp công nghệ pin và công nghệ mặt trời là cách tốt nhất để đảm bảo dòng năng lượng ổn định có giá thành rẻ hơn năng lượng được khai thác từ các nhà máy đốt nhiên liệu hoá thạch. Theo các nhà sáng kiến từ Telsa, họ đang đến gần mục tiêu phổ biến hoá sản phẩm pin của mình tới các công ty thương mại.
“Chia sẻ năng lượng mặt trời” là giải pháp cho những người không có mái nhà để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời bằng việc chia sẻ nguồn năng lượng từ các hệ thống của hàng xóm với chi phí thấp hơn so với việc họ phải trả cho công ty cung cấp điện.

Hệ thống điện mặt trời di động:

SolarPod-Portable-Solar-Generator-Briefcase-Set-up
Các nước và khu vực phát triển đang hồi phục sau thiên tai tận dụng tối đa từ nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng hiệu quả, an toàn và rẻ hơn máy phát điện.
Các nhà máy điện có tác động to lớn đến việc giúp các nước hồi phục sau thiên tai bằng việc ứng dụng các hệ thống năng lượng mặt trời di động cho việc chiếu sáng và các trạm sạc điện thoại phục vụ nhân viên cứu trợ. Bộ sản phẩm năng lượng di động bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời và hộp điều khiển có hệ thống dự trữ có vai trò thu và lưu trữ năng lượng. Nỗ lực mới nhất trong việc sử dụng nguồn điện di động là sử dụng máy in 3D chạy bằng lượng mặt trời để cung cấp thiết bị y tế tại điểm cứu trợ mà chi phí nhỏ.
Khử muối bằng mặt trời
Nguồn điện mặt trời chuyển hoá năng lượng từ mặt trời thành điện trong khi việc khử muối với mục đích loại bỏ những khoáng chất không cần thiết từ nước biển để sử dụng và cho mục đích nông nghiệp. Vậy làm thế nào để kết hợp hai quá trình đó?
Các nhà nghiên cứu đã phát kiến ra máy chạy bằng lượng mặt trời có chức năng biến nước lợ thành nước uống bằng cách tách muối ra khỏi nước. Bên cạnh khử muối, máy có thể thanh lọc và tẩy sạch nước bằng tia cực tím (Ultraviolet Rays). Nhiều vùng đất ngày nay vẫn phải sống trong điều kiện thiếu nước dù 70% trái đất được bao phủ bởi nước. Sáng kiến này là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Phương tiện chạy bằng năng lượng mặt trời

sunseeker-solar-glider-image-solar-flight_100420707_m
Công nghệ năng lượng mặt trời đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện hệ thống phương tiện di chuyển cả trên không và mặt đất. Chúng ta tiếp xúc nhiều với ánh năng mặt trời trong lúc lái xe, đi tàu hay bay trên không. Các nhà khoa học đã thử nghiệm rất nhiều cách để khai thác nguồn năng lượng này. Cùng với những sáng chế phương tiện di chuyển chạy bằng điện, đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời thay thế năng lượng điện.
“Solar Impulse 2” là chiếc máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên. Phi công có thể bay đến mọi nơi trên thế giới ngay cả trong đêm cùng với chiếc máy bay được cung cấp nhiên liệu chỉ từ năng lượng mặt trời. Ở Hà Lan còn có cả một con đường chỉ dài bằng 230 feet (70m) tạo ra 3000kWh, tương đương với cung cấp năng lượng cho một hộ gia đình một người trong suốt một năm
Dịch bởi SolarV Vũ Phong – Nguồn: tech.co (5 công nghệ về năng lượng mặt trời thay đổi thế giới)

Nhà máy Gigafactory của Tesla hướng tới chỉ sử dụng năng lượng từ mặt trời

(nangluong.edu.vn) – Theo tiết lộ của một người điều hành của Tesla gần đây, nhà máy “Gigafactory” mà công ty sản xuất xe điện của Mỹ Tesla đang xây dựng ở bang Nevada sẽ không sử dụng điện truyền thống, thay vào đó họ sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng từ các tấm pin năng lượng mặt trời bao phủ mái nhà máy và ngọn đồi gần đó.

Cập nhật mới nhất về dự án này đã được giám đốc kỹ thuật của Tesla, JB Straubel bàn luận trong một cuộc nói chuyện về sự bùng nổ ngành pin toàn cầu tại Đại Học Navada.
Hình: các nhà thiết kế minh hoạ phối cảnh nhà máy Gigafactory của Tesla
Hình: các nhà thiết kế minh hoạ phối cảnh nhà máy Gigafactory của Tesla
Straubel nói trong trường đại học rằng, bằng cách này công ty Tesla muốn làm cho nhà máy Gigafactory như một người đi đầu về việc sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững.
“Bạn biết đấy, điều hiện thực nhất chúng tôi đang làm là bao phủ toàn nhà máy bởi năng lượng mặt trời”, ông Straubel nói – theo Treehugger.
“Toàn bộ mái của Gigafactory được thiết kế với ý tưởng bao phủ năng lượng mặt trời từ ban đầu. Chúng tôi không lắp đặt các thiết bị cơ khí trên mái. Mái nhà máy rất trống trải và chúng tôi dễ dàng bao phủ toàn bộ bằng các tấm pin năng lượng mặt trời
“Mặc dù vậy không gian đó vẫn chưa đủ. Vì vậy chúng tôi phải sử dụng luôn các ngọn đồi xung quanh, nơi mà chúng tôi không có mụch đích sử dụng khác để lắp đặt pin năng lượng mặt trời lên đó”
Theo TreeHugger chỉ ra, Tesla kỳ vọng rất nhiều vào nhà máy này, với kế hoạch sản xuất nhiều pin hơn tổng lượng pin toàn cầu sản xuất được vào năm 2013.
Nếu không có nó, Tesla sẽ gặp trở ngại về nguồn cung cho kế hoạch cung cấp hàng ngàn chiếc xe điện, cũng như cố gắng hạ giá thành đủ thấp để tăng múc độ cạnh tranh của mình trên thị trường.
Hình 2: nhà máy đang trong quá trình xây dựng
Hình 2: nhà máy đang trong quá trình xây dựng
Quay lại với Straubel, ông ấy cũng nhấn mạnh thêm rằng Tesla muốn quản lý chặt sự phát thải từ nhà máy Gigafactory.
Điện năng lượng mặt trời có thể làm một số điều trong việc giảm phát thải từ nhà máy, tuy nhiên chúng tôi đã chắc chắn từ đầu sẽ không sử dụng bất kỳ nguồn năng lượng từ nguyên liệu hoá thạch nào trong nhà máy. Bạn biết đó, phát thải bằng 0. Chúng tôi đang xây dựng một nhà máy không phát thải – như một chiếc xe Tesla chúng tôi đang sản xuất vậy”

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên

Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân - Pha 2 đã diễn ra hội thảo phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân do Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức.
 
Giới thiệu mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Bên lề hội thảo, ông Trần Văn Luyến, Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, đã chia sẻ những kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên.
- Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác truyền thông cho dự án điện hạt nhân trong giai đoạn đầu tiên?
Ông Trần Văn Luyến: Trước năm 2007, các hoạt động thông tin đại chúng liên quan đến điện hạt nhân được tiến hành chủ yếu bởi Viện Năng lượng nguyên tử thông qua các hội nghị, hội thảo, triển lãm dành cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các công ty và các tổ chức liên quan.
Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 năm 2006, trong đó có nói đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
Năm 2007, thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm và triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền.
Đến năm 2008, thành lập văn phòng đại diện Ban chuẩn bị đầu tư tại Ninh Thuận, chịu trách nhiệm phối hợp với địa phương về công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận tối đa trong dân chúng.
Đến tháng 4/2011, thành lập Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (tiền thân là Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo) phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế và quan hệ cộng đồng, trong đó tập trung vào cộng đồng địa phương và người dân sinh sống trong vùng dự án.
Đối tượng trong vùng dự án mang quan điểm, suy nghĩ của cộng đồng dân cư đa tôn giáo, nhiều sắc tộc nên để thuyết phục dân chúng, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần nhiều kinh nghiệm truyền thông, nói trước đám đông, ứng xử và quan hệ công chúng.
Đặc biệt, sự hoài nghi, quay lưng với điện hạt nhân của số đông trong cộng đồng hay hơn 80% số người được hỏi đều lo ngại về sự cố hạt nhân, về rủi ro phóng xạ đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Vì vậy, cách thức thông tin tuyên truyền quyết định sự thành công của dự án.
- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm truyền thông thực tế đã thành công tại địa điểm triển khai dự án điện hạt nhân?
Ông Trần Văn Luyến: Kinh nghiệm truyền thông tại địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được phân chia thành các nhóm, trong đó chú trọng đến nhóm người nhạy cảm như các chức sắc tôn giáo, nhân sỹ trí thức trong cộng đồng dân tộc Chăm... bởi họ có trách nhiệm, có tiếng nói và ảnh hưởng tới cộng đồng của họ, một tiếng nói của họ đáng trăm giờ thuyết trình của tuyên truyền viên.
Bên cạnh đó vẫn tuyên truyền đến các nhóm thông thường, hộ gia đình... Đáng chú ý, khi tuyên truyền tại địa điểm dự án phải nói tới mục tiêu cần phát triển điện hạt nhân, nguyên nhân chọn Ninh Thuận là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, cũng như điện hạt nhân là gì và có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và con người hay không.
Điều đặc biệt quan tâm là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận thì Ninh Thuận được gì hay quốc gia được gì khi xây dựng điện hạt nhân.
Thực tế việc truyền thông tại địa điểm dự án giai đoạn đầu khá vất vả, Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận tổ chức tới 100 hội thảo "bỏ túi" nghĩa là chỉ với máy tính, màn chiếu để đến những nơi người dân cần thông tin và chưa hiểu điện hạt nhân tuyên truyền cho họ hiểu và ủng hộ.
Đặc biệt, trong quá trình truyền thông người dân vùng dự án mong muốn nhiều hơn những gì họ được hưởng về bồi thường, muốn nhiều lợi ích hơn, cũng như quan tâm đến ảnh hưởng của an toàn phóng xạ, môi trường và con cái họ có được tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực, làm việc cho nhà máy điện hạt nhân hay không...
Vì vậy, việc thông tin và truyền thông để người dân ủng hộ và hài hòa lợi ích rất quan trọng. Có thể nói đến thời điểm này, việc thông tin và truyền thông đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên việc thông tin và truyền thông phải thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, đang hoạt động và kể cả khi nhà máy dừng hoạt động.
Để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020./.
Solarv Team

Lượng khí thải bình quân đầu người đã giảm tại nhiều nước G20

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người đã giảm tại nhiều nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), một chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Khí thải từ các nhà máy. (Ảnh: Reuters)

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Transparency (CT) công bố ngày 10/11, mức khí thải bình quân đầu người trong giai đoạn 2007-2012 ở Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi và Mexico đang có xu hướng giảm dần.
Báo cáo cũng ghi nhận việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại 15 quốc gia thành viên G20.
Cựu Bộ trưởng Môi trường Costa Rica đồng thời cũng là đồng Chủ tịch CT Alvaro Umana cho biết việc các quốc gia G20 tham gia sâu rộng hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được coi là một dấu mốc ngoại giao quan trọng sau nhiều năm bất đồng giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển xung quanh vấn đề mang tính toàn cầu này.
Tuy đã có những kết quả khả quan, ông Umana nhấn mạnh G20 vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa vì tổng quan mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người ở các quốc gia này là 11 tấn/người/năm, trong khi để kiểm soát được mức nóng lên toàn cầu thì con số này chỉ được phép dao động từ 1-3 tấn/người/năm vào 2050.
Các nước G20 phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm giảm mức khí thải nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh để cùng thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 2 độ C so với nền nhiệt thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, từ đó hạn chế những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lũ lụt và nước biển dâng.
Ước tính, lượng khí thải nhà kính mà các nước G20 thải ra mỗi năm chiếm 3/4 lượng khí thải toàn cầu.
Trong 1/4 thế kỷ qua, lượng khí thải nhà kính ở nhóm các quốc gia này tăng gần 50% trong khi mức khí thải bình quân đầu người cũng tăng 18%.
Lãnh đạo G20 sẽ gặp gỡ tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-16/11 tới để bàn về các vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21) do Pháp chủ trì từ 30/11-11/12 tới./.
 
Solarv Team

Saudi Arabia lên kế hoạch giảm 130 triệu tấn khí thải mỗi năm

Thông báo ngày 11/11 của Chính phủ Saudi Arabia cho biết sẽ đa dạng hóa nền kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này có thể cắt giảm 130 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm vào năm 2030.
Ảnh minh họa. (Nguồn: visiontimes.com)
Saudi Arabia là thành viên cuối cùng trong nhóm 20 nền kinh tế chủ chốt thế giới (G20) trình kế hoạch cắt giảm khí thải lên Liên hợp quốc trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại Paris (Pháp). Đây là động thái hiếm hoi giữa lúc Saudi Arabia lo ngại nền kinh tế đất nước có thể bị de dọa khi thế giới dần chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo.
Mặc dù không đề cập chi tiết kế hoạch cắt giảm khí thải, Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố đặt mục tiêu giảm 130 triệu tấn carbon dioxide (CO2) quy đổi mỗi năm vào năm 2030 thông qua kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ được tái đầu tư cho các lĩnh vực có lượng khí phát thải thấp hơn như tài chính, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng tái tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng sẽ tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và đẩy mạnh đầu tư để phát triển các nhà máy phát điện sử dụng năng lượng Mặt Trời, gió và địa nhiệt.
Saudi Arabia dựa chủ yếu vào nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách, nhưng giá dầu sụt mạnh thời gian qua khiến Riyadh phải đưa ra các biện pháp khắc khổ. Cho tới nay, Saudi Arabia đã phát hành hơn 100 tỷ riyal (27 tỷ USD) trái phiếu nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng được các khoản chi khổng lồ.
Saudi Arabia dự báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay sẽ ở mức 39 tỷ USD.
Trong hơn một năm qua, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm hơn một nửa xuống dưới 50 USD/thùng, khiến Saudi Arabia bị thâm hụt ngân sách 17,5 tỷ USD năm 2014, đánh dấu lần thâm hụt thứ hai kể từ năm 2002.
Theo Vietnamplus

Hàng nghìn sản phẩm tham gia Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội lần thứ 2



Triển lãm quốc tế về xây dựng Vietbuild Hà Nội lần thứ 2 đã khai mạc sáng 11/11, tại Hà Nội.

Hàng nghìn sản phẩm vật liệu xây dựng mới, công nghệ hiện đại nhất của 400 doanh nghiệp trong nước và đến từ 15 quốc gia cũng như vùng lãnh thổ, đã có mặt tại Triển lãm quốc tế về xây dựng Vietbuild Hà Nội lần thứ 2.
Trong 1.260 gian hàng trưng bày tại triển lãm, có 36 doanh nghiệp đạt giải “Gian hàng quy mô – Đẹp ấn tượng”. Nhằm xúc tiến thương mại, phát triển các mối liên kết trong ngành xây dựng trong và ngoài nước, triển lãm đã giới thiệu một số sản phẩm xây dựng hiện đại, cao cấp mới như: Bê tông bọt chống nóng, ván tre ép, gỗ có độ bền như xi măng, gỗ nhựa ngoài trời, các loại sơn siêu chống thấm, tính năng siêu bền, không độc hại, các loại cửa thép không gỉ.

Bên cạnh các gian hàng truyền thống, giới thiệu vật liệu xây dựng, trang trí nội – ngoại thất, nét mới của triển lãm lần này là có hơn 10 gian hàng bất động sản giới thiệu, trưng bày hơn 20 dự án nhà ở, với các kiểu mẫu nhà sử dụng các vật liệu xây dựng cùng hệ thống máy năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường.
Triển lãm sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ hôm nay) và có nhiều hội thảo chuyên ngành về xây dựng, giao lưu và diễn đàn doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV

Cuộc sống tại vùng đất bị lãng quên

Hành lang Wakhan - hơn cả mong đợi, là một thế giới đầy màu sắc của những con người giàu lòng nhân ái, bất chấp sự thiếu thốn về mặt vật chất và điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
 
 

Thời gian dường như ngừng trôi tại hành lang Wakhan – một vùng đất gần như bị lãng quên tại Afghanistan.

15049fee-7b0e-4d28-8e5d-bc1c5929120c
Nép mình ở vùng Đông Bắc của Afghanistan, hơn 12.000 cư dân thuộc 2 bộ tộc du mục của khu vực này vẫn duy trì cách mà tổ tiên họ đã từng làm từ hàng thế kỷ trước, đó là trồng trọt, chăn nuôi và sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

63ece6fe-7590-4004-b15f-fd7fca4eb45b
Nhiếp ảnh gia người Pháp Varial Cédric Houin thực hiện hành trình gần 300km dọc theo hành lang Wakhan để tận mắt chứng kiến cuộc sống của người du mục.
32619ef2-5c09-45c5-b49e-8fdab486c278
Ông đã vượt qua rặng núi lạnh lẽo và những con đường lởm chởm đầy đá nhọn.

56c3bcc6-44cd-42ec-9c84-c98803effc1a
Những gì mà ông khám phá được, hơn cả sự mong đợi, là một thế giới đầy màu sắc của những con người giàu lòng nhân ái, bất chấp sự thiếu thốn về mặt vật chất và điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.

e6bb717c-93d1-476b-bc92-2018c8130809
Bên trong mỗi chiếc lều của người du mục đều được trải thảm và lót tường với những hoa văn trang trí rất sặc sỡ.

b282f8e5-3f58-4b94-9529-fbcf8f2eaf8e
Varial đặt tên cho bộ ảnh của mình là Wakhan - một Afghanistan hoàn toàn khác, nhằm lưu lại những kỷ niệm về vẻ đẹp và sự giản đơn của nền văn hóa cổ xưa vẫn còn khá xa lạ với phần còn lại của thế giới.

b8a074e3-78c2-430c-a80e-c83456a4d8d2
“Với hầu hết những người dân làng, đó là lần đầu tiên họ được nhìn thấy ảnh của mình”.

e37ab8b0-e72b-4d74-99be-196866c5ec7e
"Mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến đều đầy ắp niềm vui và tiếng cười, xen lẫn một chút tò mò, để lại trong lòng tôi ấn tượng mạnh mẽ về những con người nơi đây".

9dd85b9b-47b4-4279-8fa5-941f917315be
Hai bộ tộc Wakhi và Kyrgyz cùng chung sống hòa bình và cùng nhau cố gắng tồn tại trong một khung cảnh bao la và khắc nghiệt.

73262b2a-ee74-4c25-9e0f-54af45bed8fc
Không phải chịu cảnh ô nhiễm do khói bụi và bị khuất tầm nhìn bởi những tòa nhà chọc trời, bầu trời đêm tại đây đầy ắp những vì sao.

f8438abd-3a74-4fef-bec8-a20f4f0fe291
Những người dân du mục có cuộc sống rất đạm bạc. Bữa ăn hàng ngày của họ chủ yếu là bánh mì, sữa và trà.

6a2ef688-669e-4e0b-aec8-83f61fd50363
Tuổi thọ trung bình tại đây chỉ vào khoảng 43 tuổi, và ước tính tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là hơn 1/3.

9ce3bffc-4c9a-45ef-b12b-73aa51fcc759
"Già và trẻ"

b7fc5590-4a1e-4ded-86f3-f33c198d8659
Nhiếp ảnh gia người Pháp đến đây cùng một người bạn và một phiên dịch viên người Afghanistan, giúp ông giao tiếp với những người dân bản địa.

988f90d8-35f8-4aaa-a0df-9fb8b8993b30
Hai cô bé trong trang phục đỏ tươi với họa tiết vàng đang rất chăm chú với "công việc' của mình.

7bd228ab-2697-4735-8a26-9a325357f4d7
Vùng đất này tiếp giáp với Trung Quốc, Tajikistan và Pakistan.

3690785f-f829-4c04-a2c6-f37a15df010d
Ước tính hành lang Wakhan có chiều dài khoảng 300km với những lối đi quanh co qua các ngọn núi và thung lũng.

4f8e920a-fd18-4195-9544-dd67ab40d0e3
Trang phục đầy màu sắc càng làm nổi bật ánh mắt sâu thẳm của hai cô bé.

094d7562-c11b-4688-ad6b-df31a592635b
Những người dân địa phương rất cởi mở và không hề ngại ngùng trước ống kính máy ảnh.

ab894eae-3e76-40bd-a493-025dea4d4d96
Mặc dù có cuộc sống du mục nhưng nhiều ngôi làng tại đây cũng được trang bị điện thoại di động, pin năng lượng mặt trời và truyền hình vệ tinh.

1d3fbcb4-3833-46a7-aa8f-8946cd7d1bd9
Nụ cười luôn hiện hữu trên môi những người bản địa mến khách và thân thiện.
SolarV Team

Hệ thống lọc nước giá rẻ chạy bằng quang năng

Với nhiều người dân làng La Mancalona, Mexico, nước uống sạch từng là thứ xa xỉ, thậm chí còn đắt hơn cả nước ngọt đóng chai.

Dân làng La Mancalona lấy nước từ bể lọc. Ảnh: MIT
Giờ đây, nhờ có hệ thống lọc nước đơn giản bằng năng lượng mặt trời do các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Mỹ, phát minh, người dân làng La Mancalona có thể tự lọc nước từ nguồn nước ngầm và nước mưa. Hệ thống này có thể lọc khoảng 1.000 lít nước một ngày, đủ cung cấp cho một ngôi làng với khoảng 450 người sinh sống.
"Đây là mô hình cung cấp nước sạch hoàn toàn mới", theo Giáo sư Steven Dubowsky, Đại học MIT, người khởi xướng dự án vào năm 2012.
Có kích thước bằng một kho chứa hàng nhỏ, hệ thống lọc nước gồm hai tấm pin mặt trời tạo ra điện năng dùng để vận hành các máy bơm. Những máy bơm này sẽ đẩy nước qua bộ lọc được làm từ nhiều lớp màng có độ xốp vừa phải để lọc bỏ các chất rắn hòa tan và chất ô nhiễm sinh học. Công nghệ này có tên gọi là thẩm thấu ngược bằng quang điện (viết tắt là PVRO).
Nhóm nghiên cứu Đại học MIT đã hướng dẫn dân làng cách vận hành và bảo trì hệ thống, để họ có thể tự thay các đèn tia cực tím và màng lọc. Họ cũng không gặp khó khăn gì trong việc thay pin và những bộ phận khác của hệ thống.
Hệ thống lọc nước này cũng trở thành một nguồn thúc đẩy phát triển kinh tế cho cộng đồng. Người dân trong vùng giờ đây có thể mua nước sạch với giá rất rẻ để phục vụ sinh hoạt. Lợi nhuận từ việc kinh doanh nước lọc một phần được dùng cho việc bảo trì hệ thống, một phần dùng cho việc cộng ích.
"Dân làng cũng đang cố gắng phát triển một kế hoạch kinh doanh tập trung vào việc bán nước sạch cho khách du lịch tham quan khu di tích của người Maya", Huda Elasaad, trưởng nhóm dự án cho biết.
Công nghệ chạy bằng năng lượng mặt trời này được tạo ra để có thể phù hợp với môi trường bản địa, và có thể áp dụng các biện pháp khác nhau như lọc điện hoặc lọc nano. Trước thành công của dự án tại làng La Mancalona, các nhà khoa học Đại học MIT đang tìm cách đưa thêm các hệ thống lọc nước nữa đến những ngôi làng khác.
Trúc Bùi

Pháp xây dựng ý tưởng sản xuất điện trên mặt đường

Mặc dù lớp phủ chỉ có độ dày một vài mm, nhưng loại vật liệu đặc biệt này lại có độ bền đáng kinh ngạc,  nó có thể chịu mài mòn, có thể phục vụ trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng đển hiệu suất của các viên pin mặt trời , và cũng có thể chịu được các áp lực mạnh như khi vận chuyển đồ vật nặng trên bề mặt.


Công ty xây dựng tư nhân Pháp Colas đã thông báo bắt đầu sản xuất hàng loạt các vỉa hè mới với tên gọi là «Wattway», điểm đặc biệt của loại vỉa hè này là nó được tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời có khả năng sản xuất điện năng.
Cũng theo thông tin chính thức được công bố, các tấm năng lượng «Wattway» có thể được cài đặt trên vỉa hè mà không cần bất kỳ công đoạn kỹ thuật bổ sung phức tạp nào. Đáng chú ý là với quãng đường một cây số được tích hợp các tấm năng lượng này, có khả năng cung cấp đủ lượng điện cho đường chiếu sáng, với dân số 5.000 cư dân. Chỉ với 20 mét vuông được tích hợp các tấm năng lượng như vậy có thể sản xuất điện để cung cấp đủ cho một ngôi nhà (không có sưởi ấm).
Các nhà phát triển cho rằng ngoài việc sản xuất điện, lớp phủ cũng có khả năng dẫn truyền dòng điện. Với công nghệ độc đáo này có thể đảm bảo việc cung cấp năng lượng của khu vực đông dân cư nhất định, thay thế cho các mạng lưới điện từ các nguồn năng lượng truyền thống tốn kém và phức tạp trong việc thi công.
Quốc Việt (Theo Auto ria)

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Trung Quốc và thách thức của tăng trưởng xanh

Trung Quốc vừa là nguồn phát khí thải carbon lớn nhất hành tinh, vừa là nạn nhân của hiện tượng không khí bị ô nhiễm. Bắc Kinh bắt buộc phải tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới. Nhưng không dễ dung hòa hai mục tiêu : phát triển và bảo vệ môi trường.

Bốn tuần trước thượng đỉnh quốc tế về khí hậu, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố : « Chống biến đổi khí hậu là một trách nhiệm với nhân loại ». Phát biểu này của lãnh đạo số 2 Trung Quốc khi tiếp Tổng thống Pháp François Hollande tại Bắc Kinh có lẽ ông Lý Khắc Cường muốn nói tới trách nhiệm trên hết của chính quyền Trung ương đối với 1,37 tỷ dân Trung Quốc : 80 % các mạch nước, sông ngòi trên toàn quốc bị nhiễm chất độc hại, và ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người dân Trung Quốc.
25 % khí carbon làm hâm nóng trái đất do các ống khói Trung Quốc phun ra. Năm 2012, nước đông dân nhất trên địa cầu thải hơn 10 tỷ tấn CO2, nhiều gấp đôi so với Mỹ (5,2 tỷ tấn CO2). Để so sánh, trong toàn khối 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong cả năm 2013 đã thải ra 4,7 tỷ tấn carbon, tương đương với 14 % lượng thải khí toàn cầu.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện khoa học Đức Max Planck được công bố vào tháng 10/2015, ô nhiễm không khí là nguyên nhân vây tử vong cho 3,3 triệu người trên thế giới hàng năm, 3/4 nạn nhân sống tại Châu Á. Chỉ riêng tại Trung Quốc mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì các bệnh đường hô hấp. Con số này cao hơn cả số lượng người tử vong vì tai nạn giao thông hay lây nhiễm HIV.
Trong báo cáo vừa được công bố hồi tháng 10/2015, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace ghi nhận : 80 % các thành phố của Trung Quốc "bị ngạt thở" vì ô nhiễm không khí. Trung bình lượng phân tử độc hại được Greenpeace đo lường tại 367 thành phố cao gấp 4 lần so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo lời của người đại diện Greenpeace tại Bắc Kinh : quá trình công nghiệp hóa trong hai thập niên qua là nguyên nhân dẫn tới hậu quả tai hại này. Mức ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh cao hơn gấp 20 lần so với các chuẩn mực của quốc tế.
Nhu cầu tạo một môi trường sạch hơn, cho gần một tỷ rưỡi người dân ở nông thông và thành thị ngày càng trở nên cấp bách. Thế giới không thể hoàn thành mục đích ghìm nhiệt độ của trái tất tăng không quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ 21 nếu không có những nỗ lực của Trung Quốc.
Trả lời đài phát thanh quốc tế Pháp RFI ban Pháp ngữ, giáo sư Jean-François Huchet, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Châu thuộc Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông - INALCO nêu bật một khó khăn mà chính bản thân các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang vấp phải :
« Không chỉ riêng gì vấn đề khí hậu, Bắc Kinh luôn rất khó chịu mỗi khi quốc tế nhòm ngó vào các hoạt động hay đời sống ở bên trong phần lãnh thổ Trung Quốc. Bên cạnh đó không ai có thể xác định một cách chính xác về khối lượng khí carbon Trung Quốc thải ra hàng năm. Chênh lệch giữa những thông số chính thức với thực tế rất lớn. Chênh lệch đó tương đương với khối lượng CO2 của cả một nền công nhiệp như Nhật Bản thải ra hàng năm, tức là vào khoảng 1,5 giga tonne/năm. Khác biệt to lớn này có thể giải thích như sau : một là công cụ đo lường của Bắc Kinh không chính xác. Hai là bản thân chính quyền trung ương cũng không biết một cách chính xác về tình hình phát thải khí gây ô nhiễm không khí, bởi vì các chính quyền ở cấp địa phương không thông báo thống kê phản ánh đúng sự thực. Đơn giản là vì Bắc Kinh đòi chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng giảm phát thải khí carbon làm hâm nóng trái đất, giảm bớt bụi, khói mù từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than thải ra. Nhưng giảm lượng phát thải, tức là giảm các hoạt động sản xuất. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, tới tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành ».
Do vậy, cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ đưa ra những cam kết khá chung chung, để thể hiện thiện chí chống biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời những cam kết đó không mang tính quá ràng buộc. Dù vậy ở đây cần lưu ý là từ thượng đỉnh về khí hậu COP15, tổ chức tại Copenhagen-Đan Mạch năm 2009 tới nay, cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi lớn. Giáo sư Jean-François Huchet Học viện INALCO so sánh những khác biệt về lập trường của Trung Quốc hiện nay so với hồi năm 2009 :
« Vào thời điểm 2009, tức mới chỉ cách nay 6 năm, kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào ngành xây dựng và công nghiệp nặng. Hiện tại vẫn có hơn 4.000 nhà máy xi-măng tiếp tục hoạt động - tức là chỉ một mình Trung Quốc có nhiều nhà máy xi-măng hơn phần còn lại của toàn thế giới. Các nhà máy này thải ra đến 4 % khí carbon của toàn cầu. Trong vỏn vẹn 2 năm, Trung Quốc đã tiêu thụ nhiều xi-măng hơn cả Mỹ trong suốt thế kỷ XX. Điều đó cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc hồi năm 2009 là yếu tố gây ô nhiễm không khí tới mức độ nào. Nhưng phải nhìn nhận là khi đã phát thải nhiều khí carbon như vậy thì Trung Quốc không khó gì hoàn thành mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hướng tới một mô hình "tăng trưởng xanh". Dù là giảm ít, giảm chậm, Trung Quốc bắt buộc phải xét lại mô hình phát triển và cũng không thể tiếp tục với những tỷ lệ tăng trưởng ‘trên trời’ như trong giai đoạn 10 hay 20 năm trở lại đây. Nhu cầu về nhà ở, về cơ sở hạ tầng đã bão hòa. Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ năng lượng tái tạo, thế nhưng than đá vẫn là nguồn cung cấp điện lực chính cho cả một đất nước với hơn 1,4 tỷ dân, và một cỗ xe công nghiệp đồ sộ như của Trung Quốc. Trong ít nhất 15 năm nữa nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than đá ».
Tới nay than đá bảo đảm 67 % năng lượng cho toàn quốc.
 Nhà máy tại tỉnh Sơn Tây nhả khói- Reuters
« Chuyển tiếp năng lượng »
Năm 2011 Trung Quốc đề ra mục tiêu « xây dựng một xã hội vững bền và tôn trọng môi trường ». Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm cho giai đoạn 2011 -2015 dành ra đến 1,4 % tổng sản phẩm nội địa để "làm sạch môi trường".
Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh ghi rõ mục tiêu giảm bớt nhịp độ thải khí và chất hóa học độc hại cho sức khỏe công cộng. Cũng với kế hoạch 5 năm lần thứ 12 Trung Quốc bắt đầu « giai đoạn chuyển tiếp năng lượng ». Cụ thể là cùng lúc phát triển các loại năng lượng tái tạo như thủy điện, pin năng lượng mặt trời hay năng lượng gió ; đẩy mạnh chính sách dùng khí đốt và năng lượng hạt nhân thay thế cho than đá hòng giảm bớt khí thải carbon.
Trong khuôn khổ chính sách năng lượng mới đó, vào tháng 11/2014, Trung Quốc ký hợp đồng khổng lồ hơn 400 tỷ đô la với Nga cho công trình xây dựng đường ống dẫn khí, đưa khí đốt của Nga từ vùng Siberia qua núi Altai đến tận Tân Cương. Một khi đi vào hoạt động - trễ nhất là vào năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng quan trọng nhất của các tập đoàn khí đốt Nga. Đường ống được mệnh danh là "Power of Siberia" có khả năng cung cấp cho các khách hàng Trung Quốc đến 30 tỷ mét khối/năm.
Song song với bước đột phá nói trên, Trung Quốc trong 5 năm qua đã đầu tư nhiều để tiết kiện điện sử dụng cho khu vực sản xuất và nhà ở của tư nhân. Vẫn trong thời gian nay, Bắc Kinh đã khuyến khích các tập đoàn nhà nước và tư nhân hợp tác với các đối tác nước ngoài từ lĩnh vực xử lý nước thải, đến rác. Về điểm này, nhiều tập đoàn Pháp đã dễ dàng được chọn để chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Thí dụ như tại Bắc Kinh đã có nhiều tòa nhà cao ốc được xây dựng với những chuẩn mực "xanh", tức ít tốn năng lượng nhờ sử dụng hệ thống cách nhiệt của tập đoàn Saint Gobain, hay nhờ dùng hệ điều hành điện nước, để tiết kiệm đến 30% hóa đơn điện nước hàng năm.
Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học và môi trường VertigO giáo sư Olga V. Alexeeva và Yann Roche đại học Québec, Canada ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong tiến trình « chuyển tiếp năng lượng », phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Bài nghiên cứu này lưu ý : Bắc Kinh đã chuyển hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo từ những năm 1990. Nhưng với kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực này mới thực sự "cất cánh".
Như trong nhiều lĩnh vực khác, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư, nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới qua hàng loạt các hợp tác liên doanh với các tập đoàn nước ngoài, để rồi ngày nay, các tập đoàn sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc áp đặt luật chơi trên thị trường và Trung Quốc đã không còn cần đến các đối tác ngoại quốc để sản xuất đầu máy cánh quạt tạo năng lượng gió. Theo thẩm định của Viện nghiên cứu về môi trường Mỹ Worldwatch, trụ sở tại thủ đô Washington, vào năm 2006 tổng đầu tư cho năng lượng tái tạo của thế giới là hơn 50 tỷ đô la thì chỉ riêng Trung Quốc bỏ ra đến 10 tỷ đề làm chủ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Bắc Kinh dự trù đầu tư đến 1.500 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 150 tỷ đô la trong 15 năm để hai loại năng lượng tái tạo này có thể bảo đảm đến 16% nhu cầu tiêu thụ của toàn quốc.
Theo phân tích của giáo sư Jean-François Huchet, Học viện INALCO, chiến lược phát triển xanh nói trên của Trung Quốc phần nào do công luận trong nước thôi thúc :
« Giờ đây chính quyền không thể làm ngơ trước những đòi hỏi được sống trong một môi trường trong sạch của người dân. Đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở thành thị rất chú trọng đến việc này và công luận không còn dễ dàng chấp nhận khi thấy môi trường bị tàn phá, không khí thì bị ô nhiễm đến nỗi không còn trông thấy trời xanh. Thế rồi các nguồn nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm. Đừng quên rằng, các mạch nước chung quanh các nhà máy nhiệt điện đều bị nhiễm chất độc. Từ những năm 1990 và ngay cả cho tới tận thời điểm này, xung đột thường xuyên xảy ra vì những tranh chấp đất đai, hay do ô nhiễm môi trường.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm cho giai đoạn 2011-2015, Bắc Kinh đã xem các vấn đề bảo vệ thiên nhiên là một ưu tiên. Hai năm sau đó, Trung Quốc đề ra hẳn một "kế hoạch chống ô nhiễm". Thực ra, Bắc Kinh chú trọng nhiều đến vấn đề ô nhiễm không khí và đã đặt ra một số chỉ tiêu cho các tỉnh phải giảm tiêu thụ than đá trước năm 2017. Một tỉnh như Sơn Đông, sát cạnh ngay với thủ đô Bắc Kinh chẳng hạn, hiện nay mức tiêu thụ than đá của Sơn Đông tương đương với khối lượng của Đức và Nhật Bản gộp lại. Cần biết là Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ 3.500 triệu tấn than đá, tức tương đương với 40% khối lượng của toàn cầu. Trong điều kiện đó, nếu như Trung Quốc đa dạng hóa các nguồn tiêu thụ và bớt lệ thuộc vào than thì sẽ là một tin vui cho nhân loại ».
Công nghệ xanh và cái giá phải trả trước mắt
Nhưng giảm thải khí CO2 sẽ đem lại những hậu quả xã hội ? Giáo sư Huchet, Học viện INALCO, trả lời :
« Đúng là đây sẽ là một mâu thuẫn rất lớn và sẽ đẩy Trung Quốc và thế kẹt. Áp dụng các biện pháp mạnh vì môi trường là điều cần thiết, nhưng đó là ý nguyện của chính quyền Trung ương. Mặt khác, ở các cấp dưới, khi phải áp dụng chính sách "xanh", tức là phải giảm mức phát thải, phải tránh gây ô nhiễm sông ngòi … nhà máy đương nhiên phải giảm tốc độ hoạt động. Sản xuất ít đi và như vậy sẽ tạo ra thất nghiệp, hoạt động kinh tế bị trì trệ. Đừng quên rằng ở Trung Quốc ngày nay, các cán bộ ở mọi cấp có được thăng quan tiến chức hay không, điều đó đều tùy thuộc vào thành tích. Thành thử, ngay cả việc xoay trục kinh tế sang một mô hình phát triển "xanh" thì đấy là cả một vấn đề : đối với các doanh nghiệp và tư nhân ».
Về phần mình ông Pierre Cannet, phụ trách chương trình Khí hậu và Năng lượng của Quỹ bảo vệ Thiên Nhiên WWF, cũng phải nhìn nhận những bước rất dài mà Trung Quốc đã đạt được trên con đường hướng tới một mô hình phát triển xanh :
« Thật ra Trung Quốc đã bắt buộc các tỉnh sản xuất than phải giảm mức cung cấp 40%. Mục tiêu sắp tới là còn phải đi xa hơn nữa. Cũng phải nhìn nhận là Trung Quốc đã cho thí nghiệm thị trường carbon, và biện pháp này sẽ được áp dụng trên toàn quốc vào khoảng năm 2017. Mặt khác, công nghệ xanh cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng, đang tạo ra nhiều công việc làm cho người dân. Năm ngoái chẳng hạn, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tuyển dụng 3,4 triệu nhân công. Bên cạnh đó, thì Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường chế tạo pin mặt trời, và kể cả năng lượng gió. Có khả năng là tới năm 2020, Trung Quốc là nguồn cung cấp đến 40% năng lượng tái tạo cho thế giới. Nhưng để đạt được mục đích đó, Trung Quốc cần phải đầu tư đào tạo nhân sự, tức là những công nhân giờ đây đang làm việc ở các lò than, phải chuyển ngành sang các loại năng lượng sạch ».
Chính sách "xoay trục" năng lượng của Trung Quốc đã được hình thành từ trước kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2011-2015 nhưng công nghệ xanh và nhất là năng lượng tái tạo của Trung Quốc mới chỉ thực thực cất cánh từ 5 năm trở lại đây, khi mà Bắc Kinh phải đối mặt với cùng lúc nhiều thách thức nội bộ : từ chính trị đến xã hội, môi trường và kinh tế.
Không thể chối bỏ những nỗ lực của Bắc Kinh để hướng tới một mô hình phát triển "xanh" nhưng đối với một nền kinh tế đồ sộ như của Trung Quốc, không dễ dung hòa các mục tiêu tăng trưởng và những đòi hỏi về môi trường. Những mục tiêu như là dùng năng lượng tái tạo để bảo đảm 16% nhu cầu tiêu thụ của toàn quốc thay vì 1,2% như hiện tại còn ngoài tầm tay của Trung Quốc. Nhưng giới trong ngành tin chắc là nếu Trung Quốc tiến hành một "cuộc cách mạng xanh" thì đó là một cuộc cách mạng xuất phát từ ở bên trong. Khúc mắc lớn nhất để thực hiện được tham vọng đó là Bắc Kinh phải có được sự đồng thuận của các cấp chính quyền địa phương.